Trang chủ » Công nghệ » Mỹ cấm hai trường đại học Trung Quốc dùng phần mềm
Thứ Bảy, 13/06/2020 0:00

Mỹ cấm hai trường đại học Trung Quốc dùng phần mềm

Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân cuối tuần trước bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào danh sách thực thể bị cấm truy cập vào các sản phẩm theo quy định quản lý xuất khẩu của nước này. Hai trường đại học của Trung Quốc sẽ không được sử dụng MATLAB, nền tảng phần mềm máy tính phục vụ phân tích kỹ thuật, khoa học và kinh tế.

Phát ngôn viên Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân nói trường đã biết về lệnh cấm cuối tuần trước và đang tìm hiểu tác động, song chưa rõ có bao nhiêu sinh viên hay đối tượng sẽ bị ảnh hưởng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 12/6 nói “không rõ” lệnh cấm kiểu này, song khẳng định Mỹ có nhiều “hành động vô căn cứ” nhằm vào hoạt động trao đổi thông thường giữa hai nước.

“Tôi nghĩ những hành động này nhấn mạnh tâm lý Chiến tranh Lạnh đã ăn sâu vào nước Mỹ và chúng là áp bức chính trị nhằm thẳng vào Trung Quốc”, bà Hoa nói.

 

Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: HIT.
Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: HIT.

Mỹ đã thêm 24 công ty và tổ chức của Trung Quốc vào danh sách thực thể với lý do có liên hệ với quân đội. Với các công ty và tổ chức Trung Quốc bị trừng phạt, công nghệ và quan hệ kinh doanh với công ty Mỹ quan trọng với hoạt động của họ. Khi bị liệt vào danh sách thực thể, các công ty và tổ chức của Trung Quốc khó có được giấy phép xuất khẩu phần mềm hoặc phần cứng của Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân tìm cách sử dụng công nghệ của nước này cho các chương trình tên lửa, trong khi Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân mua hoặc cố gắng mua “các vật phẩm có nguồn gốc từ Mỹ để hỗ trợ chương trình của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)”.

Sinh viên hai trường đại học trên nhận được phản hồi từ MathWorks, công ty Mỹ cung cấp MATLAB, sau khi họ không thể đăng nhập. “Các quy định gần đây của chính phủ Mỹ cấm MathWorks cung cấp hỗ trợ kỹ thuật hoặc khách hàng cho Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân và Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, bao gồm cơ sở của bạn”, MathWorks cho biết trong phản hồi.

“Do đó hiện nay chúng tôi không thể xử lý yêu cầu của bạn. MathWorks đang tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ cập nhật cho bạn nếu có bất cứ thay đổi nào”, MathWorks cho biết và chưa cung cấp thêm thông tin.

Các sinh viên Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân cho biết nhà trường đã thông báo việc bị từ chối truy cập MATLAB. Một cử nhân kỹ thuật cơ khí 25 tuổi cho biết MATLAB có hàng loạt ứng dụng và phần lớn sinh viên kỹ thuật tại trường sử dụng phần mềm.

“Tuy nhiên, vẫn có thể thay thế được MATLAB trong lĩnh vực nghiên cứu của tôi”, cử nhân này nói. Anh cho biết đã dừng sử dụng phần mềm từ hai năm trước và đang phát triển công cụ mã nguồn mở thay thế trong lĩnh vực của mình.

“Có rất nhiều lựa chọn thay thế. Tôi cho rằng hầu hết sinh viên không cần phụ thuộc nhiều vào MATLAB trong các nghiên cứu của họ. Lệnh cấm phần nào đó có thể thúc đẩy phát triển các công cụ nội địa trong lĩnh vực liên quan của chúng tôi”, cử nhân 25 tuổi cho biết.

David Xiao, sinh viên khoa học máy tính của Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, nói không bị ảnh hưởng khi bị cấm truy cập MATLAB. “Sinh viên khoa học máy tính không cần MATLAB, do đó việc đình chỉ dịch vụ không gây ra bất cứ khác biệt nào cho chúng tôi. Song tôi biết một số chuyên ngành khác cần MATLAB và họ phải sử dụng phần mềm khác như Python”, Xiao nói.

Sophie Peng, tốt nghiệp Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và đang làm việc trong lĩnh vực viễn thông, cho biết sức mạnh cốt lõi của MATLAB là “công cụ vận hành và giả lập ma trận”, nhưng chỉ được số ít nghiên cứu sinh sử dụng.

“Tôi thường xuyên sử dụng MATLAB thời đại học và tôi làm đồ án tốt nghiệp với phần mềm này. MATLAB là công cụ tiện lợi cho sinh viên và nghiên cứu sinh trong lĩnh vực giao tiếp không dây và tự động hóa”, Peng nói.

“Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là MATLAB không thể thay thế. Tôi thấy các nghiên cứu sinh Trung Quốc phần nhiều sử dụng MATLAB theo thói quen. Nhiều phần mềm khác có thể thực hiện chức năng như MATLAB, ví dụ như phần mềm mã nguồn mở miễn phí Python”, Peng cho biết.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục