Trang chủ » Tài chính » Thị trường chứng khoán: 10 tháng năm 2019, ai thắng?
Thứ Sáu, 01/11/2019 0:00

Thị trường chứng khoán: 10 tháng năm 2019, ai thắng?

VN-Index vượt qua ngưỡng 1.000 điểm nhờ sự đồng thuận ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn như cổ phiếu họ Vingroup, nhóm cổ phiếu ngân hàng…

Nhiều ý kiến dự báo, chỉ số có thể sẽ dao động giằng co xung quanh mức này trong thời gian tới. Sự lựa chọn cổ phiếu sẽ là yếu tố quyết định thắng/thua, chứ không phải chuyện điểm số thị trường trên hay dưới mốc 1.000 điểm. Thực tế giao dịch từ đầu năm 2019 đến nay đã cho thấy điều đó.

Một số nhóm cổ phiếu đáng chú ý là thuỷ sản, dệt may, với thông tin hỗ trợ là các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam. Nhiều năm trước, đây là nhóm cổ phiếu không được dòng tiền chú ý.

Tuy nhiên, trải qua thời gian dài chuẩn bị cho các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, bản thân nhiều doanh nghiệp đã có sự cải thiện về nội lực.

Điều này củng cố cho đà tăng của cổ phiếu nhóm này. Dĩ nhiên, có một số cổ phiếu theo sóng ngành đi lên, dù chưa có yếu tố cơ bản vững vàng.

Sự lựa chọn cổ phiếu sẽ là yếu tố quyết định thắng/thua, chứ không phải chuyện điểm số

Thống kê thị trường cho thấy, tính từ đầu năm đến cuối tháng 7/2019, nhiều cổ phiếu ngành thủy sản và dệt may tăng rất mạnh.

Chẳng hạn, STK tăng 62%; MSH tăng hơn 46%; TCM tăng hơn 18%; ACL tăng 22%, lên 34.509 đồng/cổ phiếu, có thời điểm đạt 43.490 đồng/cổ phiếu; CMX tăng 77%; ANV có nhiều sóng tăng sau những lần điều chỉnh… Với diễn biến trên, những nhà đầu tư bắt kịp sóng của hai nhóm này thu được thành quả không nhỏ.

Nhìn chung, nhóm thủy sản gồm VHC, ANV, MPC, FMC, ACL, CMX… nhóm dệt may gồm MSH, TNG, TCM, GMC, STK… được hưởng lợi từ thông tin ký kết Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam.

Tuy nhiên, về dài hạn, câu chuyện cải thiện năng lực cạnh tranh – nền tảng giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, vững vàng – mới là yếu tố giúp cổ phiếu duy trì được mặt bằng giá mới và có dư địa tăng trưởng.

Đặc biệt, các cổ phiếu thuộc chỉ số VN30 được giao dịch sôi động và diễn biến giá khả quan, trong đó có cổ phiếu ngân hàng, đây cũng là nhóm được một số công ty chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục thu hút đầu tư trong quý IV/2019.

Theo báo cáo chiến lược mới nhất của Công ty Chứng khoán BSC, hiệu suất nhóm VN30 và nhóm vốn hóa lớn (LargeCap) trong quý III/2019 tiếp tục ghi nhận mức khả quan và nhiều khả năng sẽ là động lực dẫn dắt chính cho sự tăng trưởng của VN-Index trong quý IV/2019, nhờ định giá hợp lý, được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh tăng trưởng, thu hút dòng tiền từ các quỹ ETF mới.

Trong nhóm cổ phiếu LargeCap, ngân hàng vẫn là nhóm chiếm trọng số chủ yếu, ngoại trừ BID và VCB có mức định giá tương đối cao, thì phần còn lại có mức định giá tương đối thấp.

Do đó, BSC cho rằng, nhóm ngành ngân hàng với mức định giá hấp dẫn hơn (P/E trailing bình quân 8,6 lần và P/B trailing bình quân 1,2 lần), nợ xấu có xu hướng giảm ở các ngân hàng niêm yết và triển vọng kinh doanh khả quan có thể sẽ dẫn dắt tăng trưởng VN-Index trong quý IV/2019.

Thị trường chứng khoán: 10 tháng, ai thắng?

Một diễn biến khác có tác động tích cực đến cổ phiếu hết “room” và cổ phiếu ngân hàng (chủ yếu nằm trong VN30) là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đang xây dựng hai bộ chỉ số VN-Diamond Index và VN-Capped Financial Index, với thành phần chủ yếu được lựa chọn là nhóm cổ phiếu hết room và cổ phiếu ngân hàng chất lượng.

Nhiều ý kiến nhận định, các quỹ ETF dựa trên hai bộ chỉ số trên sẽ thu hút dòng vốn ngoại, qua đó hỗ trợ thị trường chung. Hiện tại, SSIAM và VFM là hai quỹ nội được dự báo sẽ có quỹ ETF mới dựa trên hai chỉ số này.

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp gần như đi ngang trong nhiều năm trước (ngoại trừ cổ phiếu có câu chuyện riêng), thì năm nay có sự bứt phá của cả ngành. Nhiều cổ phiếu có mức tăng giá mạnh và dự báo vẫn còn triển vọng tăng trưởng.

Các mã NTC, SNZ, TIP, SIP, D2D, BCM, HPI, SIP… tăng giá tính bằng
lần. Sự tăng trưởng này đến từ diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, thúc đẩy nhiều nhà máy dịch chuyển về Việt Nam, khiến nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp tăng và giá cho thuê được cải thiện.

Điều này được thị trường nhìn nhận, bất động sản khu công nghiệp là nhóm được hưởng lợi rõ ràng.

Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng giá, cổ phiếu nhóm này đang có dấu hiệu điều chỉnh, trong khi nhiều doanh nghiệp gần như đã lấp đầy diện tích cho thuê, nên khả năng nhận thêm khách hàng không cao.

Mặc dù vậy, kế hoạch mở rộng khu công nghiệp đã được các doanh nghiệp chủ động trình đại hội đồng cổ đông và triển khai từ đầu năm đến nay.

Giới chuyên gia nhìn nhận, dư địa tăng cho nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn còn, bởi khi đã thiết lập mặt bằng giá mới và điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn hơn, nhà đầu tư sẽ bị thu hút trở lại. Với các doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt, giá cổ phiếu sẽ đi lên bền vững hơn.

Theo đánh giá của BSC, sau quá trình phục hồi vào quý II/2019, thị trường chứng khoán Việt Nam dao động tích lũy.

Hầu hết các thị trường khác cũng đều dao động tích lũy sau quá trình hồi phục. Hiện tại, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều so với khu vực, xét trên chỉ số P/E và P/B.

Thêm vào đó, tăng trưởng lợi nhuận (EPS) của thị trường Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Xét trên từng ngành thì mức chiết khấu có sự dao động khác nhau, nhưng các ngành của Việt Nam so sánh với trung vị của nhóm nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan thì hầu như rẻ hơn về mặt định giá.

Hiện tại, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trong khu vực duy trì được việc thu hút hoạt động mua ròng của khối ngoại. 9 tháng đầu năm 2019, khối ngoại mua ròng khoảng 360 triệu USD, sở hữu 20% vốn hóa thị trường.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục