Trang chủ » Đầu tư » Chính sách » Việt Nam 2020: Thắng lợi kép trong cuộc chiến chống Covid-19
Thứ Bảy, 26/12/2020 17:00

Việt Nam 2020: Thắng lợi kép trong cuộc chiến chống Covid-19

Năm 2020 dần khép lại, bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19, kết quả tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt nhiều thuận lợi, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên phạm vi toàn cầu.

Giữ đà tăng trưởng tốt trong đại dịch
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cộng đồng quốc tế đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Và hơn cả năm 2020, GDP Việt Nam dự kiến tăng 2,5 – 3% (trong khi kinh tế thế giới theo dự kiến của WB suy giảm ít nhất 4%). Theo đánh giá của IMF, trên thế giới, Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người, cùng với Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc.
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng

Việt Nam đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực trong năm 2020. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4% đạt mục tiêu đề ra. Khu vực nông lâm thủy sản tiếp tục tăng trưởng cao hơn năm 2019, là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm khó khăn đã góp phần giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội. Xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong thập kỷ qua, đạt kết quả tốt kể từ khi khủng hoảng dịch Covid-19 bắt đầu.

Việt Nam dự kiến có thặng dư xuất khẩu hàng hóa lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Ước tính cả năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD.Đáng chú ý, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt, EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020 với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho việc nguồn thu ngoại tệ từ du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Chẳng hạn, chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau 3 năm thắt chặt tài khóa. Con số tuyệt đối về vốn được giải ngân gần gấp đôi năm ngoái, đạt kết quả giải ngân cao chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây.
Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu “kép”, mục tiêu số 1: Kiểm soát, chống dịch thành công, là tiền đề, là cơ sở và là nền tảng cho mục tiêu số 2: Giữ được tăng trưởng, và phục hồi kinh tế nhanh sau dịch. Thực tế đã chứng minh rõ điều đó. “Điều này có ý nghĩa, tạo cho Việt Nam có một vị thế mới, khẳng định Việt Nam là một miền đất tốt cho các nhà đầu tư. Kết quả này khẳng định nỗ lực của cả một quá trình và tạo ra sức hấp dẫn quốc tế, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài; củng cố thêm thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó cho thấy những thay đổi mang tính nền tảng sẽ tạo ra những yếu tố căn bản bảo đảm sự tăng trưởng” – TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Tiếp tục là điểm sáng kinh tế 2021
Theo bà Era Dabla-Norris, đại diện Vụ châu Á – Thái Bình Dương của IMF, bước sang năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ có bước phục hồi mạnh mẽ với GDP dự kiến tăng lên 6,5 – 6,7%. Bà Era Dabla-Norris nhận định, năm 2021, khi các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước được bình thường hóa, những chính sách củng cố tài khoá thận trọng trong năm 2020 sẽ là bước tạo đà cho Việt Nam vượt qua các bất ổn và phục hồi tốc độ tăng trưởng GDP. IMF đánh giá: “Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác”.
Trong báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có tựa “Nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp những thách thức do Covid-19”, cũng nhận định kinh tế Việt Nam 2021 tăng trưởng 6,3%. Hàng loạt báo cáo của các tổ chức kinh tế và truyền thông thế giới gần đây đều có chung nhận định nền kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm mới: WB dự báo tăng 6,8%; Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng 7,1%; Standard Charted dự báo tăng 7,8%, trong khi Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings dự báo tăng trưởng 2021 của Việt Nam lên tới 11,2%…
Các tổ chức trong nước như VNDirec dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ, trong đó ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,1%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,8%; ngành dịch vụ tăng 7,1%. Lý do là việc mở cửa các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm như máy tính, điện thoại, máy móc và thiết bị.
Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng
“Dù là một trong những ngôi sao sáng về tăng trưởng, Việt Nam vẫn tiềm ẩn rủi ro nếu không kịp hành động. Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực do Covid-19 gây ra, khi thương mại toàn cầu ảm đạm, giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp, công nghiệp chế tạo có xu hướng tăng chậm lại, tác động của lạm phát và biến đổi khí hậu…”- Theo đại diện HSBC Việt Nam.
Theo HSBC, đầu tiên Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa các công ty nhà nước. Cổ phần hóa chậm rất có thể là một yếu tố làm giảm khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai. Thứ hai là sự phát triển liên tục của các dịch vụ cơ sở hạ tầng hiện đại cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo (Việt Nam xếp thứ 89 trong số 137 quốc gia về chất lượng cơ sở hạ tầng).
Theo World Bank, đầu tư cơ sở vật chất tính theo phần trăm GDP của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN. Thứ ba là động lực phát triển từ FDI sẽ tốt hơn nếu cải thiện các thủ tục thuế quan và hành chính. Thứ tư, biến đổi khí hậu đồng thời tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh để lại nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nhu cầu cấp thiết là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch”.
TS Trần Đình Thiên cho rằng, đại dịch cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Phải thúc đẩy mạnh mẽ hướng tới chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, đặc biệt phát triển mạnh thị trường trong nước… trong bối cảnh mới để duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V.
Còn TS Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Trong bối cảnh mọi thứ biến đổi rất nhanh, đầy sự bất định và rủi ro, cần tầm nhìn gắn với sự bền vững, sáng tạo, bao trùm lên con người là trung tâm… Điều chúng ta cần làm nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh của con người, của các DN Việt Nam”.

“Nỗ lực lực hiện nay của Việt Nam là đưa nền kinh tế lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị, chuyển đổi nền sản xuất hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua tự động hóa, robot và in 3D. Ngoài ra, Việt Nam đang tiếp cận nhiều hơn với công nghệ không tiếp xúc vì sự xuất hiện của Covid-19. Đây là điều sẽ củng cố khả năng Việt Nam trở thành nơi sản xuất vaccine Covid 19, cũng như hỗ trợ ngành công nghiệp dược phẩm của quốc gia” – Giám đốc phụ trách công nghiệp và dịch vụ hậu cần Cushman & Wakefield Việt Nam – Paul Tonkes.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục