Trang chủ » Bất động sản » 10 lý do dự án giao thông ở Sài Gòn chậm tiến độ
Thứ Sáu, 19/06/2020 0:00

10 lý do dự án giao thông ở Sài Gòn chậm tiến độ

“Chúng tôi đi giám sát, có người dân nói chỉ mong trước khi chết thấy được cây cầu hoàn thành, mà nghe đau xót lắm”, Phó chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Đức Hải nói tại buổi làm việc với UBND thành phố về tiến độ và hiệu quả của các dự án giao thông trọng điểm, ngày 17/6.

Ông Hải chỉ ra 10 nguyên nhân tiến độ nhiều dự án giao thông chậm tiến độ. Đầu tiên là công tác chuẩn bị đầu tư dự án chưa chặt chẽ nên phải thay đổi, điều chỉnh dự án 3-4 lần, như công trình nút giao Mỹ Thuỷ, quận 2; người dân bị giải tỏa 2-3 lần để làm dự án đường Lê Trọng Tấn, sau đó là cầu Bưng ở quận Tân Phú.

Ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TP HCM phát biểu tại cuộc họp ngày 17/6. Ảnh: Hữu Công.

Các lý do tiếp theo được nêu ra là: bất cập trong các đồ án quy hoạch 1/2000 ở các địa phương; phân bổ nguồn lực chưa khoa học nên nhiều dự án chưa giải quyết dứt điểm; nhận thức khác nhau trong việc xác định giá bồi thường; chậm giao mặt bằng; công tác dân vận chưa tốt; đùn đẩy trách nhiệm giữa chủ đầu tư và quận huyện; phối hợp giữa các địa phương với sở ngành chưa chặt chẽ; cơ chế chính sách chưa nhất quán…

“Kè chống sạt lở làm được 30 m trong khi theo thiết kế là 862 m, rồi cầu Bưng xây nhưng không có đường xuống”, ông Hải nói và đề nghị UBND thành phố chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm các công trình dở dang.

Phó chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị các sở, ngành thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư thật kỹ; đảm bảo phân bổ nguồn lực chặt chẽ… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực đô thị Võ Văn Hoan cho biết, TP HCM luôn xác định tầm quan trọng của phát triển hạ tầng giao thông bởi đây là yếu tố để thành phố phát triển. Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng: “Có những vướng mắc mình muốn làm mà không được vì đụng luật này luật kia, rất nhiều thứ đan xen nhau. Thành phố và các sở ngành sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa để giải quyết bài toán về giao thông”.

Theo ông Hoan, UBND thành phố luôn ưu tiên các dự án trọng điểm, tập trung giải quyết các nút thắt như sân bay, cảng biển, các trục đường kết nối thành phố với địa phương khác (cầu vượt, hầm chui…) để thông thoáng, tránh tình trạng chỗ này thông, chỗ kia thắt.

Để làm được điều đó, thành phố lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông để gom tất cả các dự án về một mối. Đơn vị này hoạt động chuyên nghiệp, khoa học, có quy trình làm việc và giám sát chặt chẽ. “UBND thành phố duy trì định kỳ 2 tuần làm việc một lần với Ban để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi triển khai dự án”, ông Hoan nói.

 

Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại cuộc họp ngày 17/6. Ảnh: Hữu Công

Trước đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết tính đến tháng 4 năm nay, thành phố làm mới và đưa vào sử dụng 338 km/272 km đường bộ, đạt 124% chỉ tiêu; xây dựng mới 68/76 cây cầu.

Một số dự án trọng điểm đã hoàn thành như cầu Phú Hữu trên đường Vành đai Đông; đường Phạm Văn Đồng; nâng cấp, mở rộng đường Trần Não; đường vào cảng Phú Hữu; cầu vượt ngã tư Gò Mây; đường nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng đến Xa lộ Hà Nội; các cầu vượt thép quanh sân bay Tân Sơn Nhất; cầu Nhị Thiên Đường I; cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Văn Cừ với đường Võ Văn Kiệt…

Theo ông Lâm, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông chỉ đáp ứng khoảng 27% so với nhu cầu dự kiến với 12.625 tỷ đồng. Trong khi đó, mặc dù được kỳ vọng rất lớn nhưng nguồn vốn ngoài ngân sách chỉ đạt được con số khiêm tốn khoảng 16.966 tỷ đồng, đạt 13% so với nhu cầu.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kêu gọi nguồn vốn ngoài ngân sách không lớn như kỳ vọng. Do đó, thành phố đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi linh hoạt một số dự án quan trọng sang đầu tư bằng vốn ngân sách để tháo gỡ khó khăn cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án”, ông Lâm nói.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục