Trang chủ » Doanh nghiệp » Agoda, Booking, Airbnb, Traveloka… gần như chiếm hết thị phần đặt phòng trực tuyến, các OTAs Việt Nam đang tranh giành nhau miếng bánh nhỏ, đua nhau báo lỗ nặng
Chủ Nhật, 25/10/2020 8:00

Agoda, Booking, Airbnb, Traveloka… gần như chiếm hết thị phần đặt phòng trực tuyến, các OTAs Việt Nam đang tranh giành nhau miếng bánh nhỏ, đua nhau báo lỗ nặng

OTAs hay Online Travel Agencies là các nền tảng đặt dịch vụ trực tuyến, giúp cho khách hàng dễ dàng hệ thống, tiết kiệm thời gian chuẩn bị một chuyển du lịch từ đặt vé máy bay, đặt phòng nghỉ cho đến thuê xe…

Thị trường khách sạn tại Việt Nam liên tục tăng trưởng tốt trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của ngành du lịch, trước khi mọi thứ bị đảo lộn bởi đại dịch COVID-19. Năm nay, ngành này chịu tác động nặng nề khi gần như không có khách quốc tế do lệnh cấm vận biên giới nhằm hạn chế lây nhiễm.

Báo cáo của Grant Thornton đưa ra con số gần 78% khách của các khách sạn cao cấp là người nước ngoài năm 2019, đây vẫn là con số rất lớn mặc dù tỷ lệ khách nội địa đang tăng lên.

Sự đi xuống của ngành công nghiệp không khói kéo theo làn sóng sa sút của các dịch vụ phái sinh, ở đây chúng tôi đang nói đến việc đặt phòng nghỉ, đặt vé máy bay và các dịch vụ hỗ trợ du lịch…

Hơn 30% lượng phòng đặt các khách sạn cao cấp đến từ công ty lữ hành và nhà điều hành tour. Xếp thứ hai là các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agencies – OTAs) đóng góp gần 26%, nhưng tăng khá chậm trong những năm gần đây.

Nguồn: Grant Thornton

Trong lĩnh vực này, các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới như Agoda.com, Booking.com (đều thuộc Booking Holdings), Trivago.com, Hotels.com (đều thuộc Expedia Group), hay Airbnb.com, Tripavisor, Traveloka (Indonesia)… đang ở vị thế thống lĩnh.

Tuy vậy, thời điểm ban đầu khi hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, Nhà nước gần như không thu được đồng thuế nào từ các nền tảng có trụ sở tại nước ngoài (lấy cớ tránh đánh thuế 2 lần), nhưng vấn đề này đã được giải quyết năm 2017 bởi Bộ Tài chính. 

Số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) công bố cuối năm 2017 cho biết, các nền tảng nước ngoài đang chiếm khoảng 80% thị phần OTAs. Số còn lại được các doanh nghiệp trong nước tranh giành, số lượng các tay chơi cũng ngày càng đông đảo.

Đứng đầu về doanh thu trong năm 2019, Chudu24 đem về 568 tỷ đồng, con số này giảm 4% so với năm trước đó. Công ty có lãi 6 tỷ đồng, giảm mạnh so với 15 tỷ đồng của 2018.

Chudu24 hoạt động từ năm 2008 hiện đang quản lý hệ thống gần 2.000 khách sạn trong nước và 160.000 khách sạn quốc tế, chuyên phục vụ cho khách hàng là người Việt Nam.

Chudu24 được sáng lập bởi ông Trần Minh Phương, hiện cũng đang là Tổng giám đốc công ty. Trước khi thành lập Chudu, ông Phương từng là sáng lập viên của một công ty du lịch trực tuyến, gây dựng hệ thống đặt phòng khách sạn và đặt vé máy bay…

Hai vị trí tiếp theo lần lượt iVivu.com và Tripi, đạt 470 tỷ đồng và 441 tỷ đồng. Trong đó, iVivu chứng kiến sự tăng trưởng mạnh hơn 60%. iVivu lãi tượng trưng 2 tỷ đồng, còn Tripi lỗ nặng 69 tỷ đồng.

iVivu.com là nền tảng du lịch trực tuyến của Tập đoàn Thiên Minh, một trong những công ty về du lịch quy mô và chuyên nghiệp nhất Việt Nam.

iVivu.com được cho ra mắt từ năm 2011, chủ yếu phục vụ thị trường khách nội địa. Bản thân Thiên Minh Group sở hữu trong tay hệ thống 13 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, du thuyền và tàu hỏa. Khối khách sạn này đón hơn 500.000 lượt khách mỗi năm tại những địa điểm nổi tiếng Việt Nam, Lào. Thiên Minh Group được rót vốn đầu tư bởi VIGroup, công ty Việt quản lý khối tài sản khoảng 500 triệu USD.

Hay như chủ sở hữu Tripi cũng là một công ty có nền tảng đáng chú ý. CTCP PT Công nghệ Thương mại và Du lịch nhận vốn đầu tư từ Teko Ventures thuộc Teko, một thành viên của VNLife (từng được GIC và SoftBank đầu tư khoảng 200 triệu USD). Bản thân Tripi vì mở rộng tương đối nhanh, trong năm gần nhất lỗ ròng tới 69 tỷ đồng.

Nhóm các OTA nội địa tiếp theo có sự xuất hiện của Vntrip OTA, doanh thu 123 tỷ đồng và Gotadi, doanh thu 78 tỷ đồng. Nhưng cũng xin lưu ý, Vntrip lỗ nặng 58 tỷ đồng, trong khi Gotadi chỉ hòa vốn.

Chứng kiến sự tụt dốc thảm hại nhất phải kể đến Mytour, doanh thu của nền tảng này rơi từ 128 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 28 tỷ đồng năm 2019. Công ty mẹ của Mytour lỗ nặng liên tục từ 2016, trong hai năm gần nhất lần lượt lỗ 67 tỷ đồng và 62 tỷ đồng.

Việc thua lỗ cũng là tình cảnh của một startup nổi tiếng những năm gần đây, nhất là sau thương vụ gọi vốn 6 triệu USD trên Shark Tank Việt Nam (một chương trình truyền hình thực tế). Doanh thu năm ngoái của Luxstay chỉ đạt 12 tỷ đồng, nhưng lỗ ròng tới 39 tỷ đồng. Nổi tiếng từ một chương trình truyền hình, Luxstay cũng gây chú ý với khi CEO công ty này đặt mua 36 xe VinFast ngay khi mới ra mắt; hay nhận vốn đầu tư từ M-TP Entertaiment của nam ca sĩ hạng A – Sơn Tùng.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục