Trang chủ » Đầu tư » Chính sách » Bài toán tăng thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp
Chủ Nhật, 27/12/2020 16:41

Bài toán tăng thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp

Tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm thủy sản chỉ chiếm chưa tới 1% trong tổng vốn đầu tư. Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu tính cả lĩnh vực chế biến thì con số này khá hơn và đây là lĩnh vực còn rất tiềm năng…

Thiếu cơ chế chính sách, khó thu hút FDI vào nông nghiệp.

Đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp còn thấp

Tại Hội thảo tham vấn về cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2020-2025 do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng Thanh (Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn – IPSARD), cho biết, tính đến hết năm 2019, vốn FDI vào nông nghiệp (ngành hàng nông, lâm, thủy sản) đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 0,97% tổng vốn FDI vào Việt Nam, trong khi mức trung bình toàn cầu là 3% của tổng vốn FDI. Các đối tác quan trọng nhất đầu tư FDI vào nông nghiệp Việt Nam gồm: Đài Loan (Trung Quốc), quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Thái Lan chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) (Bộ KH&ĐT), lũy kế các dự án FDI còn hiệu lực đến ngày 20/11/2020, cả nước có 32.912 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 382,893 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 502 dự án với tổng vốn  đầu tư đăng ký hơn 3,664 tỷ USD, chỉ chiếm gần 0,96% trong tổng vốn đầu tư. 

Ông Vũ Xuân Đặng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam thuộc Cục ĐTNN (Bộ KH&ĐT) thông tin, tổng vốn FDI đăng ký trong nông nghiệp tuy có tăng, nhưng chậm hơn so với tỷ lệ thu hút FDI chung (giảm từ khoảng 1,5% năm 2015 xuống còn khoảng 0,96% năm 2020). “Kết quả này trái ngược với những lợi thế và tiềm năng phát triển ngành này của nước ta – quốc gia luôn nằm trong Top 5 các nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su, thủy sản… nhiều nhất thế giới” – ông Đặng đánh giá. Tuy nhiên, ông Đặng cũng lưu ý một số DN FDI trong ngành chế biến thực phẩm không nằm trong số này do thống kê trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Chia sẻ với PLVN, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận đầu tư của FDI vào nông nghiệp chưa cao, tuy nhiên nếu tính cả 49 nghìn DN đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến cũng với 13 nghìn DN trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp thì tỷ lệ này cũng không thấp.“Đây là tiềm năng để ngành nông nghiệp kêu gọi DN FDI đầu tư vào lĩnh vực này!”- Bộ trưởng khẳng định.

Cần cụ thể hóa chủ trương, chính sách 

Thiếu quỹ đất là nguyên nhân đầu tiên được kể đến khiến cho nhiều nhà đầu tư còn e dè khi đầu tư vào nông nghiệp. Theo ông Vũ Xuân Đặng (Cục ĐTNN), quỹ đất dành cho thu hút FDI hầu như không có, việc quy định DN, nhà ĐTNN không được thuê đất của người sử dụng đất,.. dẫn đến việc tiếp cận nguồn lực đất đai, việc hình thành diện tích đất có quy mô đủ lớn để thực hiện dự án là không thể, chưa kể một số địa phương nếu có quỹ đất thì ưu tiên cho việc quy hoạch khu công nghiệp…

Cùng với đó là một loạt nguyên nhân khiến nhà đầu tư còn e dè, đó là: Hạ tầng những khu vực khuyến khích thu hút FDI còn kém; Chất lượng nguồn lao động tại các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN, nhất là DN nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới; việc kết nối giữa hộ nông dân với DN FDI còn có nhiều hạn chế…

Đại diện Cục ĐTNN cũng cho rằng, chính sách liên quan đến thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, định hướng của Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030 có 2 vấn đề lớn cần chú trọng: Nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút ĐTNN vào phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL; Và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù của từng mô hình, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ với các khu vực khác.

Tuy nhiên, các chính sách cụ thể thực hiện định hướng trên thì chưa ban hành; ngoại trừ Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ ban hành trước các Nghị quyết trên. Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà ĐTNN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có chính sách để từng vùng, địa phương triển khai xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, xây dựng khu nguyên liệu, chăn nuôi tập trung, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những “chính sách vượt trội”.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho 3 vùng (phía Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL), trong đó có chính sách thu hút FDI sớm cải thiện cơ sở hạ tầng của những khu vực, từ đó thu hút FDI đầu tư vào nông nghiệp khu vực nhiều tiềm  năng này. Chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương cũng là vấn đề các địa phương cần quan tâm, nhất là trong điều kiện đòi hỏi dịch chuyển dần các phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống ở các nước sang phát triển nông nghiệp trong kỷ nguyên số 4.0.

 Một vấn đề nữa cần lưu ý là hiện nước ta đã chủ động tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực do đó cần nghiên cứu, vận dụng những ưu đãi thuế quan từ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp để điều chỉnh kịp thời chính sách có lợi nhất cho các DN trong đó có DN FDI… 

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục