Trang chủ » Doanh nghiệp » Tiêu dùng » Bắt giữ kho hàng lậu lớn 'ẩn' cạnh kho hải quan
Thứ Bảy, 18/07/2020 0:00

Bắt giữ kho hàng lậu lớn 'ẩn' cạnh kho hải quan


Kho hàng lậu tại Mỹ Đình, cạnh cảng ICD Mỹ Đình của lực lượng hải quan bị Tổng cục quản lý thị trường bắt giữ hôm 16/7 Ảnh: Bộ Công thương

Ngày 16/7, Tổng cục quản lý thị trường và đội quản lý thị trường số 6 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH TMV chuyển phát nhanh Thuận Phong (chi nhánh Hà Nội) nằm trong khuôn viên cảng ICD Mỹ Đình (17, Phạm Hùng, Hà Nội). Đây là cơ sở kinh doanh nằm ẩn trong khu vực cảng ICD Mỹ Đình chuyên dụng, nơi đặt trụ sở của cơ quan hải quan nhằm thực hiện hoạt động kiểm tra hàng hóa, thông quan cho các hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không. Việc kinh doanh trong khuôn viên của cơ sở này rất khó phát hiện vì thường bị lẫn đối với hoạt động thông quan của lực lượng hải quan.

Cơ sở kinh doanh nói trên do ông Fang Houng Yuan (Trung Quốc) đứng đầu chi nhánh, trụ sở chính tại TPHCM. Khi kiểm tra, cơ sở có giấy phép hoạt động kinh doanh bưu chính. Đoàn kiểm tra phát hiện số lượng hàng hóa rất lớn được đóng gói tại đây đang tập kết tại cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong để chuẩn bị chuyển phát. Các mặt hàng gồm: chăn ga các loại nhãn Zara Home, quần áo Adidas, mỹ phẩm, các sản phẩm điện tử gia dụng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tổng số hàng hóa là trên 100 ngàn sản phẩm và hơn 20 bao hàng hóa đang được tiếp tục kiểm đếm. Toàn bộ số hàng trên là rất lớn nhưng chỉ có 1 tờ hóa đơn giá trị gia tăng được cung cấp cho sản phẩm máy tập bụng.

Tổng cục quản lý thị trường nhận định: cần tạm giữ, phân loại để xác minh xuất xứ, làm rõ chủ hàng từng lô hàng lậu, có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ…. Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã phối hợp với đại diện pháp lý các hãng đang được bảo hộ tại Việt Nam như Zara, Adidas…để xác nhận hàng thật, hàng giả đối với các hàng hóa có liên quan.

Vẫn theo Tổng cục, sau thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, hoạt động, kinh doanh hàng hóa trên thị trường đã có dấu hiệu hồi phục trở lại. Cùng với đó là việc sử dụng kinh doanh thương mại điện tử lưu thông hàng hóa rất hữu hiệu qua các website bán hàng trên mạng. Từ đó cũng nẩy sinh rất nhiều tiêu cực, hạn chế như: lợi dụng hoạt động của các cơ sở kinh doanh vận chuyển, chuyển phát bưu chính này để vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng cấm và các mặt hàng vi phạm quy định của pháp luật.

Kinh nghiệm của các cơ quan quản lý cho thấy:  trước đây các mặt hàng hàng lậu, hàng giả, hàng cấm và các mặt hàng vi phạm quy định của pháp luật thường được tập kết từ các kho sau đó xé lẻ đến cơ sở kinh doanh từ đó mới bán cho người tiêu dùng. Nay hoạt động kinh doanh đang chuyển hướng: hàng hóa sẽ được tập kết tại các tổng kho, các kho hàng lớn; thông qua hoạt động các các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử. Hàng hóa sẽ được xé lẻ ngay tại các kho, tổng kho sau đó thông qua dịch vụ vận chuyển, chuyển phát của các đơn vị dịch vụ bưu chính và chuyển đến tận tay người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường, chống buôn lậu và công an liên tục bắt giữ các kho hàng lậu, không rõ nguồn gốc…quy mô lớn vận chuyển qua đường hàng không, đường bộ, tiêu thụ nội địa. Quy mô các vụ từ vài chục tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng thu lợi bất chính.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục