Trang chủ » Đời sống » Ca ghép thận thứ 1.000: “Cảm ơn người hiến thận đã cho tôi được sống”
Thứ Ba, 13/10/2020 13:40

Ca ghép thận thứ 1.000: “Cảm ơn người hiến thận đã cho tôi được sống”

 Ở tuổi 49, người đàn ông ở Hà Nội đã bị suy thận giai đoạn cuối, nếu không được ghép thận anh sẽ chạy thận nhân tạo suốt đời, kéo theo đó là một loạt các nguy cơ khác ảnh hưởng đến tim, cơ xương khớp…

Ca ghép thận thứ 1.000 thành công tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là anh Đ.X.T (49 tuổi, Hà Nội). Hiện tại sau 10 ngày ghép thận, sức khỏe của anh hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và có thể xuất viện, sớm trở lại cuộc sống thường ngày.

“Tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ đã tận tâm cứu chữa cho tôi, cảm ơn người hiến thận đã trao cho tôi cơ hội được sống. Hy vọng sẽ có thêm nhiều người bệnh được hồi sinh sự sống như tôi…”, anh T vui vẻ nói. 

Với anh, một cuộc sống mới hạnh phúc lại bắt đầu.

Sau ca ghép thận, sức khỏe của anh T ổn định, có thể xuất viện.

Anh T có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối độ I2 từ năm 2017, điều trị bảo tồn (dùng thuốc, lọc máu, chưa cần thay thế thận). Tuy nhiên, đến tháng 1 năm nay, anh chuyển sang bệnh thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết nếu không được thay thận, bệnh nhân phải lọc máu, chạy thận nhân tạo suốt đời, nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim, nhiễm trùng, suy tim, bệnh lý cơ xương khớp… Ngoài ra, việc chạy thận nhân tạo lâu ngày cũng ảnh hưởng đến kinh tế cho người bệnh.

Trên thực tế, do chi phí cao của việc ghép nên chỉ định này chỉ áp dụng chủ yếu (80%) cho người bệnh tại các nước đã phát triển. Trong khi đó tại các nước đang phát triển thì tỷ lệ này chỉ là 10-20%. Rất nhiều người bệnh không được ghép thận sẽ tử vong với các biến chứng của suy thận giai đoạn cuối.

Ngày 28/9, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật thay thận cho bệnh nhân T từ người cho sống. Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ. 

Ca ghép thận cho bệnh nhân kéo dài trong 3 giờ.

Đây là ca ghép thận thứ 1.000 được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trường hợp ghép thận đầu tiên tại bệnh viện là vào năm 2002. Trong đó, đến thời điểm hiện tại, có 122 ca ghép thận từ người cho chết não (12%).

TS.BS Ninh Việt Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết thêm người cho chết não cùng lúc có thể hiến 2 quả thận để ghép cho một bệnh nhân và có thể hiến nhiều tạng khác như: tim, phổi, gân, giác mạc, mạch máu để mang lại sự sống cho nhiều người bệnh.

Kỹ thuật ghép thận từ người cho chết não có nhiều ưu điểm hơn từ người cho sống bởi khi lấy tạng từ người hiến sống phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người hiến. Phẫu thuật trên thể trạng bệnh nhân khỏe mạnh, mọi thao tác lấy tạng đều phải chính xác, tránh tai biến.

Lấy tạng từ người cho chết não, bác sĩ sẽ lấy được những mạch máu dài hơn so với lấy từ người hiến sống, tạo thuận lợi cho cuộc ghép. Đối với người hiến sống, chỉ lấy được các mạch máu ngắn hơn, do vậy để cuộc ghép thuận lợi, các bác sĩ đã có nhiều phương án giải quyết như: chuyển các mạch máu khác để ghép thận, tạo hình làm dài các mạch thận bằng các tĩnh mạch sinh dục hoặc đoạn mạch được bảo quản từ ngân hàng mô.

Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức tiến hành 100% mổ nội soi lấy tạng từ người hiến sống, giúp giảm đau sau mổ, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục