Trang chủ » Bất động sản » Chỉ trong 2 năm, hơn 3 tỷ USD vốn FDI đã đổ vào bất động sản logistics
Chủ Nhật, 27/12/2020 10:00

Chỉ trong 2 năm, hơn 3 tỷ USD vốn FDI đã đổ vào bất động sản logistics

Thương mại điện tử tăng trưởng, nhu cầu kho vận tăng cao đã trở thành động lực lớn cho bất động sản logistics phát triển nóng trong thời gian qua. Chỉ trong 2 năm trở lại đây, vốn FDI đã đổ về hơn 3 tỷ USD.

JLL vừa đưa ra báo cáo chặng đường tương lai cho ngành logistics Việt Nam với những nhận định lạc quan dành cho mảng bất động sản logistics khi các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến ngành này, bất chấp tác động của Covid-19 trong ngắn hạn.

Đơn vị này cho biết, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng là một động lực lớn cho nhu cầu bất động sản hậu cần. Việt Nam được dự đoán là nơi có tốc độ phát triển thương mại điện tử lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nếu tính ở thời điểm năm 2015, doanh thu thương mại điện tử chỉ đạt 4 tỷ USD, trong khi năm 2017 tăng đến 50%, đạt hơn 6 tỷ USD. Đến năm 2020, con số này đã tăng gấp đôi năm 2017, dự kiến đạt khoảng 13 tỷ USD.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của ngành hậu cần còn được lý giải bởi tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, và tầng lớp trung lưu gia tăng. Dân số trẻ thúc đẩy nhu cầu đối với bất động sản thương mại và đây là yếu tố chính tạo cơ sở cho nhu cầu tại Việt Nam.

Theo thống kê, khoảng 35% dân số Việt Nam hiện đang sống ở các khu vực thành thị, tăng 29% trong thập kỷ qua. Khi thị trường bắt đầu trưởng thành, mức độ cần thiết về hậu cần để phục vụ dân cư có thể sẽ tăng lên, dẫn đến yêu cầu cao hơn về không gian cũng như dịch vụ hậu cần. Dân số trung lưu đáng kể của Việt Nam, cùng với mức thu nhập ngày càng tăng, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ mức tiêu dùng trong khu vực.

Thông thường, các công ty thương mại điện tử sử dụng nhiều không gian hậu cần hơn so với các nhà bán lẻ truyền thống. Điều này phần lớn do phạm vi sản phẩm của doanh nghiệp thương mại điện tử phong phú hơn, mức tồn kho lớn, yêu cầu về không gian vận chuyển ra nước ngoài và nhu cầu hậu cần 2 chiều (đổi trả hàng) lớn hơn.

Chỉ với 2 năm, hơn 3 tỷ USD vốn FDI đã đổ vào bất động sản logistics.

Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa trong lĩnh vực logistics và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới. Khách thuê đang có xu hướng nâng cấp từ các cơ sở lỗi thời, vừa và nhỏ cũng như quản lý bởi chủ sở hữu tư nhân, để chuyển đến cơ sở hiện đại hơn ở vị trí tốt hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn cung nhà kho ở Long An, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã vượt mức 3 triệu m2 sàn. Trong khi đó ở các các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Hải Phòng, nguồn cung đạt khoảng 880 nghìn m2.

Theo đại diện JLL, hiện nhu cầu của các nhà đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp tại thị trường Việt Nam trong thời điểm này cũng rất lớn. Trước kia họ thường có nhu cầu tìm quỹ đất để phát triển với quy mô từ 5.000 – 10.000m2 tuy nhiên đến nay đã tăng lên 10.000 – 50.000m2.

Cũng theo bà Trang, trong 2 năm trở lại đây, dòng vốn FDI đầu tư vào bất động sản logistics tại Việt Nam tăng mạnh. Các quỹ đầu tư lớn đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD cho giai đoạn 1 và một số quỹ cũng đang kêu gọi đầu tư giai đoạn 2.

Dù nhiều tiềm năng, nhưng để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, bà Trang cho rằng ngành hậu cầu Việt Nam sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics/công nghiệp, trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí trước các nước khác, cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng, cần chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm cả thời gian và chi phí vẫn còn cần nhiều cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực./.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục