Trang chủ » Công nghệ » Cuộc ‘di cư’ tốn kém của ngành công nghệ thế giới
Thứ Bảy, 10/10/2020 11:00

Cuộc ‘di cư’ tốn kém của ngành công nghệ thế giới

Chiến tranh thương mại và Covid-19 khiến các nhà sản xuất miễn cưỡng rời Trung Quốc, dù biết tốn kém và khó có nơi nào tốt hơn.

Trước đây, phương Tây thiết kế sản phẩm và sản xuất tại Trung Quốc. Điều này diễn ra qua ba thập kỷ, mang đến sự kết hợp tối ưu giữa chi phí, chất lượng, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Giờ đây, ngành công nghệ phải đối mặt với thực tế mới là chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, và ngày càng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng phân tán, phi tập trung đang nổi lên ở Đông Nam Á.

Ngành công nghiệp đã bắt đầu một cuộc di cư chưa từng thấy trong hai đến ba thập kỷ qua. Khoảng 2.000 công ty Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực – bao gồm nhiều nhà cung cấp công nghệ – đã có kế hoạch đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc. Các công ty công nghệ, đặc biệt là các nhà cung cấp cho Apple, đang xem xét chuyển từ 15% đến 30% tổng sản lượng khỏi nước này.

Nhật Bản đã khởi động chương trình trợ cấp 220 tỷ yen (2,08 tỷ USD) để khuyến khích các công ty đưa sản xuất về nước và phân bổ thêm 23,5 tỷ yen để tài trợ cho việc chuyển sản xuất sang Đông Nam Á. Tính đến tháng 7, gần 90 công ty Nhật đã được chấp thuận, trong khi hơn 1.600 công ty đã nộp đơn xin trợ cấp. Đài Loan cũng thực hiện chiến dịch “chuyển sản xuất trở lại Đài Loan” với việc giảm thuế và lãi suất cho vay đặc biệt kể từ cuối năm 2018.

Nhà máy sản xuất smartphone đã đóng cửa của Samsung Telecom Technology ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, được chụp vào ngày 1/1/2019. Ảnh: AP

Apple bắt đầu sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam từ đầu năm nay và có kế hoạch mang nhiều sản phẩm hơn đến Đông Nam Á, khi mới năm ngoái, tất cả các sản phẩm như vậy đều làm ở Trung Quốc. Hãng cũng yêu cầu các nhà lắp ráp iPhone chính là Foxconn và Wistron mở rộng năng lực sản xuất tại Ấn Độ, hối thúc thêm Pegatron nhanh chóng xây dựng nhà máy tại nước này.

Samsung Electronics đã đóng cửa các cơ sở lắp ráp điện thoại thông minh cuối cùng ở Trung Quốc vào năm 2019 để chuyển toàn bộ trọng tâm sang Việt Nam và Ấn Độ. Việc sản xuất máy chủ cho các trung tâm dữ liệu của Google, Amazon và Facebook đã chuyển sang Đài Loan, khi mới hai năm trước, tất cả các máy chủ như vậy đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Đối với các công ty như Acter Group, đối tác của Google và các nhà cung cấp chính của Apple như Pegatron, Wistron cùng nhiều công ty khác, việc mở rộng chuỗi cung ứng công nghệ ra Đông Nam Á đã trở thành một chất xúc tác tăng trưởng quan trọng.

“Chúng tôi nhận thấy các dự án trong tương lai từ các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đang tăng lên rất nhiều”, Lai Ming-kun, Tổng giám đốc Acter, cho biết.

Tuy nhiên, chi phí để rời Trung Quốc là rất lớn. Đất nước này vẫn mang đến sự kết hợp tuyệt vời giữa cơ sở hạ tầng được tổ chức tốt, nguồn lao động có tay nghề cao mà không quốc gia nào có thể sánh kịp, khả năng huy động hàng trăm nghìn công nhân và giao linh kiện trong giờ chỉ với một cuộc điện thoại.

Nghiên cứu của Bank of America Securities cho thấy thời gian để sản phẩm lên kệ tại các cửa hàng ở Mỹ có thể mất tới 40 ngày nếu sản xuất từ Thái Lan, gần gấp đôi so với Trung Quốc.

Maurice Lee, CEO Unimicron Technologies, một nhà sản xuất bảng mạch in, cho biết họ có một hệ sinh thái hoàn chỉnh và rất gần với tất cả nhà cung cấp khi ở Trung Quốc. “Chuyển đến bất kỳ nơi nào khác có nghĩa là tất cả quy trình, công tác hậu cần cần phải được thiết kế lại, và điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi phải đào tạo lại toàn bộ công nhân. Nghĩa là tăng chi phí”, ông Lee nói.

Chủ tịch Pegatron Tung Tzu-hsien cho biết, sản xuất công nghệ sẽ phải đối mặt với một sự thay đổi cơ bản nếu chuyển ra khỏi Trung Quốc. Công ty của ông từng chỉ tập trung sản xuất ở Trung Quốc và Đài Loan, nhưng đã xây dựng các cơ sở mới ở Indonesia và Việt Nam trong hai năm qua và sắp xây dựng một nhà máy ở Ấn Độ.

“Trước đây, chỉ mất hai giờ để vận chuyển linh kiện từ các tỉnh khác của Trung Quốc. Nhưng trong tương lai, sẽ mất ít nhất một đến hai tuần chờ đợi khi chuỗi cung ứng trở nên phi tập trung bên ngoài Trung Quốc”, ông nói, “Đây là một thực tế mới mà tất cả chúng ta phải đối mặt và thích nghi”.

Trung tâm thành phố Trịnh Châu, được mệnh danh là “iPhone City”. Ảnh: AP.

Nhờ các chính sách của chính phủ mà Trịnh Châu (Hà Nam) từ vùng nông nghiệp hoang vắng thành một trung tâm sản xuất, lắp ráp 50% lượng iPhone trên thế giới mỗi năm. Hay như Trùng Khánh, đã hỗ trợ HP và các nhà cung cấp thành lập một trong những trung tâm sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới. Cứ 3 laptop xuất xưởng toàn cầu là có một chiếc từ Trùng Khánh.

Tuy nhiên, ngay cả trước chiến tranh thương mại, vài nhà cung cấp đã tìm cách chuyển một số hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á trong bối cảnh chi phí gia tăng và tình trạng thiếu lao động ở Trung Quốc. Trong 4-5 năm qua, các nhà sản xuất ngày càng khó thu hút đủ công nhân trong dây chuyền sản xuất vào mùa cao điểm. Thiếu công nhân, giá đất và tiền lương tăng cao đã trở thành vấn đề đau đầu chung.

Sean Kao, nhà phân tích của IDC, cho biết nhiều công ty đã phải chịu chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc trong vài năm và bắt đầu đánh giá một số kế hoạch đa dạng hóa, nhưng không ai trong số họ thực hiện các kế hoạch này cho đến khi chiến tranh thương mại bắt đầu.

“Tuy nhiên, không có quốc gia nào có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc”, Kao nói, “Nhưng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và sau đó là Covid-19, đã thúc đẩy tất cả nhà cung cấp này và khách hàng của họ thực sự quyết tâm chuyển ít nhất một số hoạt động sản xuất sang các nước khác và bước ra khỏi vùng an toàn”.

Nhưng những nỗ lực chuyển hoạt động ra ngoài Trung Quốc đã mang lại nhiều kết quả trái chiều. Một chuỗi cung ứng mới đang xuất hiện ở Đông Nam Á và Ấn Độ, chưa đầy 1.000 ngày sau khi làn sóng thuế quan trừng phạt đầu tiên đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc được Mỹ áp dụng năm 2018.

Các nhà cung cấp lớn như nhà sản xuất Apple Watch – Compal Electronics đã thuê đất ở Việt Nam. Nhà sản xuất AirPods và điện thoại Xiaomi có cơ sở ở Malaysia. Nhà lắp ráp iPhone và máy laptop cho Acer là Wistron có nhà máy ở Philippines. Nhưng những nhà máy này, thường có quy mô nhỏ, nằm rải rác khắp Đông Nam Á và không hoạt động hết công suất.

“Trong một số trường hợp, trước đây không có ai trong các nhà máy không hoạt động này. Chỉ có muỗi”, một giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei, mô tả tình trạng các nhà máy của công ty ông ở Đông Nam Á vài năm trước.

Gần đây, các nhà máy đã bận rộn hơn nhưng việc hiệu quả hoạt động ở Đông Nam Á là một thách thức mới đối với các nhà cung cấp. Yancey Hai, Chủ tịch Delta Electronics, nhà cung cấp linh kiện cho Apple, HP và Dell, cho biết công ty ông đã đưa ra kế hoạch đa dạng hóa cho cuộc chiến thương mại nhằm mở rộng sản xuất ở Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Tuy nhiên, ông nói, hiệu quả mà chính phủ Trung Quốc làm được trong việc dập Covid-19 là không thể phủ nhận.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục