Trang chủ » Bất động sản » Điểm danh loạt dự án”khủng” có vốn ngoại xin điều chỉnh, chuyển nhượng
Thứ Hai, 28/09/2020 6:46

Điểm danh loạt dự án”khủng” có vốn ngoại xin điều chỉnh, chuyển nhượng

Loạt “siêu” dự án bất động sản ở Hà Nội xin điều chỉnh, chuyển nhượng; Đại gia bất động sản bị “bêu tên” vì chậm nộp thuế, nợ khủng… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Loạt “siêu” dự án bất động sản ở Hà Nội xin điều chỉnh, chuyển nhượng

UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ cho chủ đầu tư một số dự án bất động sản quy mô từ vài trăm triệu USD đến hàng tỷ USD được điều chỉnh, chuyển nhượng một phần dự án.

Cụ thể, tại dự án Khu đô thị thành phố thông minh ở Đông Anh do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TP thông minh Bắc Hà Nội (được thành lập từ vốn góp của Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản) làm chủ đầu tư, Thành phố Hà Nội đang xem xét điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu.

Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Đông Anh Hà Nội, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD.

Tại Dự án khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây do Công ty TNHH phát triển THT làm chủ đầu tư, chủ đầu tư muốn chuyển nhượng 3 dự án thành phần.

Còn đối với các dự án do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam làm chủ đầu tư, trong đó dự án công viên Yên Sở được chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh trên cơ sở tách dự án và dự án khu đô thị C2 – công viên Yên Sở được đề nghị điều chỉnh theo quy hoạch điều chỉnh và chuyển nhượng 1 dự án thành phần.

Trong khi đó, Công ty TNHH phát triển khu đô thị Nam Thăng Long đề nghị được chuyển nhượng 3 dự án thành phần trong khu đô thị Nam Thăng Long. Còn Công ty TNHH Lotte Properties Hà Nội đề nghị điều chỉnh quy mô, thời gian hoạt động của dự án Lotte Mall Hà Nội là 50 năm kể từ ngày được bàn giao đất, giữ nguyên điều khoản chuyển giao không bồi hoàn…

Giá chung cư Hà Nội đạt đỉnh, đầu tư kiếm tiền chênh dễ “móm”?

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, đầu tư lướt sóng phân khúc chung cư khó kiếm lời.

Theo ông Đính, giá chung cư ở Hà Nội đã đạt đến đỉnh. Hiện nay, chủ yếu người mua có nhu cầu thực để ở. Còn đầu tư thời điểm hiện nay thậm chí sẽ “móm” bởi hàng hiếm, giá cao.

Đặc biệt tại TP.HCM, ông Đính cho biết trong 2 năm trở lại đây không có dự án mới, giá đang có sự tăng khá mạnh, bình quân giá tăng 5 – 7%, thậm chí có khu vực trên 10%. Hiện đang có bong bóng tại thị trường bất động sản TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Đại gia bất động sản bị “bêu tên” vì chậm nộp thuế, nợ khủng

Theo Cục thuế TP. Hà Nội , có 141 doanh nghiệp nợ gần 82 tỷ đồng thuế, phí, tiền chậm nộp tính đến ngày 31/7/2020.

Đứng đầu danh sách này là Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Long Giang. Doanh nghiệp bất động sản này có số nợ hơn 37 tỷ đồng tính đến ngày 31/7/2020. Từ ngày 1/08 – 14/9/2020, công ty mới chỉ nộp hơn 103 triệu đồng tiền nợ vào Ngân sách nhà nước.

Tại danh sách công khai lại, có 64 đơn vị nợ gần 192 tỷ đồng tiền thuế phí tính đến ngày 31/7/2020. Đứng đầu danh sách là Công ty Cổ phần cầu 12 – Cienco1 với số nợ hơn 77 tỷ đồng.

Chặn cửa “chạy” quốc tịch: Cán bộ không được đầu tư bất động sản nước ngoài

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài . Cụ thể, dự thảo đề xuất điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản phải là nhà đầu tư phải là doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc siết điều kiện nói trên nhằm “hạn chế tình trạng cá nhân lợi dụng đầu tư để sở hữu tài sản ở nước ngoài hoặc nhằm mục tiêu định cư”.

Dự thảo cũng quy định rõ các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài là các cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Ví dụ như trường hợp là các cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước.

Đề xuất thí điểm cơ chế đặc thù cải tạo chung cư cũ

Bộ Xây dựng cho biết hiện nay Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng Đề án Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố với một số đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù.

Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội có gần 1.500 chung cư cũ đang tồn tại, trong đó có 6 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D, 200 nhà xuống cấp, hư hỏng cấp C. (Ảnh: Khu tập thể Thanh Xuân Bắc)

Cụ thể, UBND TP Hà Nội đề xuất giao các nhà đầu tư đề xuất ý tưởng và lập quy hoạch chi tiết 1/500 dự án cải tạo, TP sẽ hoàn trả chi phí nếu nhà đầu tư không được chọn, nhằm hấp dẫn sự vào cuộc của doanh nghiệp. TP Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được chủ động điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, dân số tại 4 quận nội thành thuộc khu vực nội đô lịch sử.

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng chỉ một vài hộ dân không đồng ý dẫn đến dự án ách tắc nhiều năm, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị cho phép quy định tỷ lệ khoảng 70% chủ sở hữu nhà chung cư không phải cấp D (nhà nguy hiểm) nhất trí là được thực hiện cải tạo, xây dựng lại.

 

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục