Trang chủ » Bất động sản » Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông: Vì sao 3 Bộ từ chối tham gia Tổ công tác liên ngành?
Thứ Năm, 03/12/2020 16:46

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông: Vì sao 3 Bộ từ chối tham gia Tổ công tác liên ngành?

 Bộ Tư pháp, Tài chính và KH&ĐT vừa có văn bản xác nhận không cử đại diện tham gia Tổ công tác liên ngành hỗ trợ Bộ GTVT đàm phán, ký kết các dự án thành phần xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Dự án cao tốc Bắc – Nam đã chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước. (Ảnh minh họa)

Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 20/NQ ngày 28/3/2018 của Chính phủ về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020,  Bộ GTVT đã có các Văn bản 10454/BGTVT- ĐTCT ngày 16/10/2020 (lần 1) và số 11115/BGTVT-ĐTCT ngày 04/11/2020 (lần 2) gửi các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đề nghị cử đại diện tham gia Tổ công tác liên ngành.

Sau hai lần gửi văn bản, đến nay Bộ GTVT mới nhận được văn bản cử đại diện tham gia Tổ công tác liên ngành của 6 địa phương nơi dự án đi qua: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Bộ TN&MT và Xây dựng hiện chưa có văn bản trả lời Bộ GTVT là có tham gia Tổ liên ngành hay không. Bộ KH&ĐT, Tài chính, Tư pháp đã có văn bản trả lời sẽ không cử đại diện tham gia Tổ công tác liên ngành.

Trong công văn phúc đáp ngày 16/11/2020, Bộ Tư pháp cho biết: Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư không quy định việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán hợp đồng dự án. “Do không đủ cơ sở pháp lý theo quy định hiện hành, Bộ Tư pháp đề xuất không cử đại diện tham gia”, công văn nêu.   

Bộ Tài chính cũng khẳng định không cử đại diện tham gia do Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực từ 1/1/2021) không quy định việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán hợp đồng PPP. 

Bộ Tài chính thông tin, hiện các dự án thành phần thực hiện theo hình thức BOT đã được chuyển sang cơ chế đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời Quốc hội đã cho phép chuyển 3/8 dự án BOT sang đầu tư công và 1 dự án đã hoàn thành sơ tuyển song không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.   

Về phía Bộ KH&ĐT, thông tin thêm: Tại thời điểm 2018, khi báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết về triển khai đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Bộ GTVT đã giải trình dự án cao tốc Bắc-Nam có quy mô lớn, tính chất phức tạp, triển khai rất gấp và là dự án thực hiện đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư nên cần thiết phải có sự tham gia của các bộ, ngành với vai trò thành viên Tổ công tác liên ngành. 

Tuy nhiên, được sự chấp thuận của các cấp thẩm quyền, ngày 14/9/2019, Bộ GTVT đã hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước. Do đó, việc thành lập Tổ công tác liên ngành không còn phù hợp với tình hình hiện nay, đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ vấn đề này. 

Từ các phân tích trên, Bộ KH&ĐT khẳng định, do không đủ cơ sở pháp lý theo quy định hiện hành, Bộ không cử đại diện tham gia. “Trong quá trình triển khai các dự án, đề nghị Bộ GTVT đảm bảo tính tuân thủ theo quy định với nội dung trong báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt và hợp đồng dự án đã ký kết, chịu trách nhiệm pháp lý với nội dung hợp đồng dự án đã ký theo Khoản 4, Điều 73 Nghị định 63/2018/NĐ-CP”, Bộ KH&ĐT lưu ý. 

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục