Trang chủ » Doanh nghiệp » EVN giải quyết các vụ tranh chấp với giá trị thu về hơn 278 tỷ đồng
Thứ Bảy, 07/11/2020 7:55

EVN giải quyết các vụ tranh chấp với giá trị thu về hơn 278 tỷ đồng

Theo Trưởng ban pháp chế EVN, tổng số vụ việc mà các đơn vị đã và đang tham gia giải quyết là 650 vụ; trong đó, 425 vụ việc đã giải quyết xong với giá trị thu về hơn 278 tỷ đồng.

(Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn)

Ngày 6/11, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm công tác pháp chế trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban pháp chế Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết hiện nay, Ban Pháp chế của Tập đoàn đang theo dõi và tham gia giải quyết 9 vụ việc tranh chấp. Tổng số vụ việc mà các đơn vị đã và đang tham gia giải quyết là 650 vụ; trong đó, 425 vụ việc đã giải quyết xong với giá trị thu về hơn 278 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019, EVN đã cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin điện tử của 63 tỉnh, thành phố.

Với hơn 28 triệu khách hàng mua điện, EVN đã cung cấp điện cho 100% số xã và 99,52% số hộ dân trên cả nước. Đặc biệt, EVN đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến 11/12 huyện đảo, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Để triển khai hoạt động pháp chế đến các đơn vị, trong 5 năm qua, Ban Pháp chế EVN và bộ phận pháp chế tại các đơn vị đã tham gia trên 70.000 ý kiến góp ý, thẩm định hợp đồng, thỏa thuận các loại…

Trong lĩnh vực tố tụng, Ban Pháp chế EVN và bộ phận pháp chế tại các đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo EVN, đơn vị trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của EVN, các đơn vị như đại diện tham gia phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại…, theo dõi việc thi hành án dân sự.

Ban Pháp chế EVN cũng kịp thời hướng dẫn các đơn vị trong quá trình tham gia giải quyết các tranh chấp, có ý kiến pháp lý đối với các vụ việc, các vướng mắc trong việc thực hiện các hợp đồng.

Trong thời gian qua, thực tế đã tồn tại những tranh chấp kinh tế phức tạp hoặc liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, kéo dài nhiều năm với nhiều lần xét xử. Tuy nhiên, với sự kiên trì và kiến thức chuyên môn vững chắc của những người làm pháp chế, EVN đã bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong hầu hết vụ tranh chấp phát sinh.

Theo ông Nguyễn Minh Khoa, trong thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục tăng cường, sắp xếp, bố trí người làm pháp chế chuyên trách, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt 75% người làm pháp chế chuyên trách. Đến nay, số cán bộ pháp chế có trình độ Cử nhân Luật đạt 80% trở lên.

Tập đoàn tiếp tục thực hiện đào tạo pháp luật ngắn hạn cho 100% cán bộ pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật nhưng có trình độ đại học chuyên ngành khác; đào tạo, tập huấn các kiến thức chuyên ngành khác cho các bộ pháp chế có trình độ cử nhân luật để đáp ứng tốt hơn trong công việc.

Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp; trong đó có EVN tham gia đóng góp trong quá trình góp ý, thẩm định các dự thảo luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tổng hợp các vướng mắc, các tình huống pháp luật từ thực tế liên quan đến doanh nghiệp để phổ biến cho các doanh nghiệp.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng kiến nghị với Bộ Công Thương về hỗ trợ tổ chức pháp chế các đơn vị trong ngành trong việc triển khai thực hiện pháp luật liên quan; tổng hợp, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định liên quan đến ngành công thương cho phù hợp với thực tế như trong lĩnh vực hoạt động điện lực, đầu tư, xây dựng…./.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục