Trang chủ » Doanh nghiệp » Làn sóng tuyển giám đốc quản lý công việc từ xa
Thứ Hai, 21/09/2020 14:55

Làn sóng tuyển giám đốc quản lý công việc từ xa

Nhiều công ty công nghệ đang đua tuyển giám đốc quản lý công việc từ xa sau khi phần lớn nhân viên muốn làm tại nhà ngay cả khi đại dịch không còn là mối đe dọa.

Những ngày gần đây, Darren Murph đảm nhận rất nhiều vai trò mới tại nơi làm việc. Anh có thể là một chuyên gia “tái định cư”, giúp các đồng nghiệp rời khỏi các thành phố lớn như San Francisco đến với những địa điểm khác có mức chi phí rẻ hơn mà vẫn truy cập được vào băng thông công ty.

Anh cũng có thể là một nhân viên hỗ trợ nhóm điều hành cấp cao trong các dự án cải tổ bộ máy từ xa sao cho thân thiện hoặc lập kế hoạch sự kiện (mở rộng các hoạt động làm việc nhóm ảo như tổ chức các buổi nấu ăn nhóm trực tuyến)…

Chức danh của Murph là Giám đốc quản lý công việc từ xa (Head of Remote) tại công ty phần mềm mã nguồn mở GitLab – nơi gần như hoàn toàn làm việc từ xa từ năm 2011 – thời điểm đây còn là một khái niệm chưa hề phổ biến. Cựu biên tập viên công nghệ kiêm cố vấn truyền thông 36 tuổi tin rằng nghề nghiệp này sẽ ngày một thịnh hành.

Ảnh minh hoạ: The Washington Post.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh làn sóng làm việc từ xa, cùng sự tăng mạnh các công việc tại nhà được dự báo sẽ kéo dài. Nhiều công ty công nghệ đã tạo ra những công việc mới cho ban điều hành để hỗ trợ cho các nhân sự làm việc từ xa. Mặc dù cách làm này có thể lan sang các công ty khác, nhưng tại thời điểm này chủ yếu tập trung vào các công ty công nghệ.

Trong kế hoạch cho phép ít nhất một nửa nhân viên làm từ xa hoàn toàn, Facebook sẽ cho họ làm việc ở bất cứ nơi nào với mức lương thưởng có thể giảm. Gần đây, công ty cũng bắt đầu đăng tuyển vị trí “Giám đốc quản lý công việc từ xa”, người sẽ thúc đẩy những chuyển đổi trong toàn công ty theo hướng ưu tiên làm việc từ xa.

“Vị trí này sẽ dẫn dắt một số trưởng nhóm ‘đa chức năng’ trong công ty có thể giúp mọi người trong tiến trình chuyển đổi sang làm việc từ xa”, bài đăng tuyển cho biết.

Okta, công ty phần mềm về quản lý danh tính cũng đang có kế hoạch thuê một nhân sự chuyên trách giúp họ chuyển sang mô hình “làm việc năng động”, trong đó sẽ có nhiều nhân sự được thuê ngoài văn phòng chính ở San Francisco.

Mạng xã hội Hỏi-Đáp Quora cũng trong quá trình tuyển dụng một “Trưởng bộ phận quản lý công việc từ xa” sau khi 60% nhân viên cho biết họ muốn làm việc tại nhà ngay cả khi đại dịch không còn là mối đe dọa.

Adam D’Angelo, Giám đốc điều hành của Quora (công ty có khoảng 200 nhân viên), cho biết họ cần một người có kiến thức về nhân sự, nhưng cũng phải thực sự giỏi về kỹ năng truyền thông và thành thạo hoặc ít nhất là hiểu biết về công nghệ. “Đại dịch này đã buộc chúng tôi phải chuyển đổi ngay lập tức và vị trí này đột nhiên nắm giữ vai trò thiết yếu trong nhiều công ty”, Adam D’Angelo nói.

Các trang tuyển dụng như Glassdoor hoặc LinkedIn cho biết, họ vẫn chưa thấy công việc tương tự trong các mục liệt kê chức danh, mặc dù Murph – người truyền bá cho vai trò này, cho biết anh ấy đang nói chuyện với nhiều công ty hơn về việc bổ sung một công việc như vậy.

Anh so sánh vị trí “Trưởng bộ phận quản lý việc từ xa” như một Giám đốc đa năng – người chịu trách nhiệm về các vấn đề công bằng và hòa nhập của nhân viên trong các công ty lớn.

Trên thực tế, Murph cho biết công việc có thể bao gồm việc điều hướng múi giờ, xử lý các vấn đề thuế đối với nhân viên như một cán bộ pháp lý, lập kế hoạch các sự kiện trực tuyến để giữ cho văn hóa công ty không bị phai nhạt và hoạch định phúc lợi cho các nhân viên làm việc từ xa…

Vài công ty đang giao công việc này cho những đội nhóm liên phòng ban hoặc thành viên ban lãnh đạo vốn có chức năng khác thay vì thăng chức nhân viên hay tuyển dụng người mới. Tại Hewlett-Packard Enterprise (HPE), công ty công nghệ có hơn 60.000 nhân viên, với 10 giám đốc cấp cao phụ trách từ bất động sản, nhân sự, công nghệ thông tin và truyền thông đang làm việc từ xa dựa trên phương pháp của riêng họ.

Dave Antczak, Phó chủ tịch mảng bất động sản toàn cầu của HPE, cho biết sẽ không loại trừ việc chỉ đích danh một người đứng ra dẫn dắt nỗ lực làm việc từ xa trong tương lai.

Một số khác giao vai trò này cho những nhân viên lâu năm hiểu rõ về văn hóa công ty. Tại Slack, Ali Rayl – Phó chủ tịch phụ trách trải nghiệm khách hàng có 8 năm kinh nghiệm tại nền tảng nhắn tin này, đã nỗ lực chuyển đổi công ty sang làm việc từ xa. Cô cho rằng đó có thể là một trọng trách ngắn ngủi. “Đây là điều mang tính thời vụ – nó thay đổi cách thức hoạt động của công ty chúng tôi, cũng như xây dựng cách thức vận hành mới,” cô nói.

Prithwiraj Choudhury, giáo sư Trường Kinh doanh Harvard, người đã nghiên cứu về các công ty “làm việc từ mọi nơi” cho biết, bất kể cách tạo thành như thế nào, có tồn tại lâu hay không, chìa khóa là người sếp phải dẫn đầu sáng kiến. Nếu toàn bộ công ty đang làm việc từ xa nhưng lãnh đạo cấp cao làm việc trong văn phòng, thì các nhà quản lý cấp trung sẽ chỉ xếp hàng để “facetime” với sếp”.

Liz Burow, cựu Phó chủ tịch chiến lược tại WeWork (nền tảng chia sẻ văn phòng) và hiện là nhà tư vấn tại Minneapolis cho biết, bà cũng tin rằng nhiều công ty sẽ chỉ định một ai đó phụ trách điều phối công việc từ xa hoặc dẫn dắt một nơi làm việc “hỗn hợp” – nơi một số người ở văn phòng và những người khác thì không. Cô cũng chia sẻ, trong các cuộc thảo luận gần đây tại công ty có bàn thảo về việc cần hay không cần địa điểm làm việc cố định.

Nhưng “nếu chúng ta thực sự muốn suy nghĩ lại về tương lai, đó không phải là về không gian. Đó là về những vai trò mới” – Burow nói. “Mọi người đang quên địa điểm làm việc chỉ là nơi mọi thứ diễn ra. Ai sẽ quản lý điều đang diễn ra và bằng cách nào mới là điều chúng ta cần nghĩ”, cô nói thêm.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục