Trang chủ » Bất động sản » Mục tiêu hết năm 2025 có gần 4.000 km đường cao tốc
Thứ Sáu, 25/12/2020 18:38

Mục tiêu hết năm 2025 có gần 4.000 km đường cao tốc

Thông tin này được nêu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 – 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021-2025.

Trong năm 2021, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng: Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng, cấp bách; các dự án ODA chuyển tiếp; đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án ODA mới bổ sung, các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước, các dự án sử dụng vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; triển khai các dự án: CHKQT Long Thành giai đoạn 1, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ giai đoạn 1, Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, Luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…

Còn trong giai đoạn 5 năm (2021-2025), Bộ GTVT đặt ra mục tiêu tập trung phát triển các công trình hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa; ưu tiên cải tạo, mở rộng các cảng hàng không lớn và các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn; cải tạo các quốc lộ trọng yếu, liên vùng, xóa các điểm đen về TNGT; hoàn thành các dự án đường sắt dở dang, cải tạo các nút thắt để nâng cao năng lực thông qua của đường sắt hiện có, nghiên cứu xây dựng đường sắt kết nối vào các cảng biển đầu mối; cải tạo, nâng cấp các hành lang vận tải thủy quan trọng, nâng tĩnh không một số cầu đảm bảo đồng bộ về kỹ thuật phục vụ phát triển vận tải container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn trên đường thuỷ nội địa phía Bắc, phía Nam và kết nối cảng biển; đầu tư đảm bảo đồng bộ các cảng biển cửa ngõ quốc tế và một số cảng biển có nhu cầu vận tải lớn; phát triển hệ thống cảng cạn.

Riêng đường bộ, Bộ GTVT cho biết, cơ quan này sẽ tập trung đầu tư hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, triển khai đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối trung tâm kinh tế, đặc biệt là các tuyến vành đai hoặc kết nối với trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 3.858 km đường cao tốc.

Với đường sắt, tập trung cải tạo các điểm nghẽn và nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, ưu tiên Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh; Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Lào Cai. Xóa bỏ các lối đi tự mở trên mạng đường sắt quốc gia. Hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu và xúc tiến đầu tư đối với các tuyến đường sắt đô thị tại các thành phố lớn theo quy hoạch.

Cải tạo, nâng cấp các hành lang vận tải thủy quan trọng, đặc biệt nâng cấp tĩnh không thông thuyền các cầu, cùng với hệ thống kết nối và hạ tầng kỹ thuật khác đảm bảo đồng bộ phục vụ phát triển vận tải container, hàng hoá chuyên dụng, khối lượng lớn, bao gồm: kênh nối Đáy – Ninh Cơ, cầu Đuống (trên hành lang số 1, phía Bắc), nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, các hành lang đường thuỷ và logistic khu vực phía Nam; kêu gọi đầu tư một số cảng thủy nội địa đầu mối ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng Bắc bộ. Đảm bảo khả năng kết nối và thị phần đảm nhận cao của vận tải thuỷ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ đến bến cảng quốc tế Lạch Huyện; vùng đồng bằng sông Cửu Long đến cảng quốc tế Thị Vải-Cái Mép, vận tải ven biển.

Đầu tư các cảng biển, luồng tuyến để đảm bảo đồng bộ về quy mô và nhu cầu khai thác, như: xây dựng các bến cảng – Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng – Lạch Huyện; luồng vào cảng Cái Mép, luồng vào khu nước Cẩm Phả; xây dựng bến Liên Chiểu (cảng Đà Nẵng); đầu tư luồng hàng hải vào các bến cảng Khu vực Nghi Sơn, Thanh Hóa; cải tạo, nâng cấp một số luồng, cảng có nhu cầu vận tải lớn.

Còn hàng không sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và đầu tư giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nâng cấp, xây dựng các cảng hàng không khác theo quy hoạch và nhu cầu vận tải như: Chu Lai, Cam Ranh, Phú Quốc, Phan Thiết, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Điện Biên…

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục