Trang chủ » Tài chính » Ngân hàng » Ngân hàng Thế giới cảnh báo khủng hoảng tài chính do đại dịch
Chủ Nhật, 18/10/2020 16:36

Ngân hàng Thế giới cảnh báo khủng hoảng tài chính do đại dịch

Kinh tế trưởng Carmen Reinhart cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại không bền vững và các nước nghèo có nguy cơ khủng hoảng nợ.

“Ban đầu, đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng nó đang dần biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, với những hậu quả nghiêm trọng về tài chính”, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Carmen Reinhart nhận xét về tác động của đại dịch trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, “Chúng ta còn một chặng đường rất dài phía trước”.

Bà Reinhart nổi tiếng với cuốn sách viết cùng Kenneth Rogoff về khủng hoảng 2009 có tên “Lần này rất khác: 8 thế kỷ biến động tài chính”. Trong đó, cả hai nghiên cứu về lịch sử các cuộc vỡ nợ của chính phủ, suy thoái, ngân hàng bị ồ ạt rút tiền, tiền tệ bị bán tháo và lạm phát tăng vọt.

Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Carmen Reinhart. Ảnh: Reuters

Khi được hỏi việc các ngân hàng trung ương mua trái phiếu để giữ lợi suất ở mức thấp có phải là một cuộc chiến kẻ được người mất hay không, khi tất cả đều đang làm điều này, bà trả lời: “Đây là một cuộc chiến. Trong chiến tranh, các chính phủ tìm mọi cách để có kinh phí và hiện tại nhu cầu đang rất khủng khiếp. Tình cảnh của chúng ta hiện tại không hề bền vững”.

Reinhart đưa ra bình luận này sau khi các nước giàu nhất thế giới đồng ý gia hạn sáng kiến giảm nợ cho nhóm nước nghèo nhất, ít nhất là hết nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, thời gian này ngắn hơn lời kêu gọi một năm của WB.

WB tuần này cũng cảnh báo rủi ro khủng hoảng nợ trong nhóm nước thu nhập thấp. Các nước này đã phải chật vật trả cho cả chủ nợ công và tư trong suốt thập kỷ qua.

Số liệu của WB cho thấy Trung Quốc hiện cho vay tới 60% số tiền mà các nước thuộc nhóm nghèo nhất sẽ phải hoàn trả trong năm nay. WB cho rằng rất nhiều khoản vay trong số này dành cho các nước đang phát triển với điều khoản không rõ ràng và lãi suất cao hơn khả năng chi trả của họ.

Khi được hỏi Trung Quốc có tham gia chương trình giảm nợ không, Reinhart cho biết nước này trên thực tế có tham gia, nhưng “không đầy đủ”. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc – tổ chức cho vay lớn của nước này, không góp mặt. Các chủ nợ tư nhân cũng vậy. “Chúng tôi mong muốn họ tham gia hoàn toàn, nhưng thật không may là điều này chưa xảy ra”, bà nói.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục