Trang chủ » Tài chính » Chứng khoán » Những cổ phiếu bluechip ‘chậm lớn’
Chủ Nhật, 27/12/2020 8:00

Những cổ phiếu bluechip ‘chậm lớn’

VN-Index đã tăng trưởng hơn 12% từ đầu năm đến nay và khoảng 60% nếu tính từ đáy, dù vậy không phải tất cả các nhà đầu tư đều hưởng lợi. Đáng chú ý, thống kê của Nhadautu.vn cho thấy nhiều mã cổ phiếu bluechip với nền tảng tài chính tốt đã suy giảm trong năm 2020.

(Ảnh: Internet)

Bất chấp việc chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng rất ấn tượng.

Có thể thấy, tính đến phiên giao dịch 25/12, chỉ số VN-Index đạt 1.084,42 điểm, tương đương tăng trưởng 12,2% tính từ đầu năm. Trong khi đó, VN30 đạt 1.052,13 điểm, tăng 18,6%.

Đi cùng với đà tăng của VN-Index, thị trường trong 11 tháng đầu năm 2020 đón nhận các nhà đầu tư trong nước với hơn 330 nghìn tài khoản mở mới, nhiều hơn nhiều hơn 75% so với cả năm 2019 (gần 189 nghìn tài khoản). Trong đó, số lượng tài khoản mở mới kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát (từ tháng 3 tới nay) lên tới 302 nghìn tài khoản.

Sự nhập cuộc của các “nhà đầu tư F0” được đánh giá là yếu tố quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh. 

Theo ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TTCK Việt tăng trưởng tốt nhờ việc Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, dẫn đến những thiệt hại về người và tài sản được giảm thiểu, nền kinh tế được phục hồi. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý TTCK cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp….

Ngoài ra, thời gian qua, TTCK còn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguyên nhân khác. Đơn cử, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước 3 quý đầu năm có nhiều điểm sáng như: Xuất khẩu khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát được kiểm soát. Triển vọng kinh tế nước ta trong quý IV được các tổ chức quốc tế đánh giá khá tốt (IMF, World Bank, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng từ 1,6% – 3% trong năm 2020).

Dù vậy, thị trường tăng mạnh không có nghĩa tất cả nhà đầu tư đều được hưởng lợi. Đáng chú ý, thống kê của Nhadautu.vn cho thấy, nhiều mã cổ phiếu bluechip với nền tảng tài chính tốt đã suy giảm trong năm 2020.

Đứng đầu mức giảm trong “list” này là mã TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy. Tính đến phiên giao dịch 25/12, thị giá TCH đạt 20.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 38,3% so với đầu năm 2020. Điều này có phần bất ngờ, bởi tình hình tài chính của TCH khá tích cực.

Cụ thể, theo BCTC quý II/2020 (niên độ từ 1/7/2020 – 30/9/2020), doanh thu thuần TCH đạt 1.937 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế 439,9 tỷ, tương đương tăng 180,2%. Trong 6 tháng niên độ (1/4/2020 – 30/9/2020), doanh thu thuần đạt 3.109 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kì. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận gần 808 tỷ đồng, tăng 162%.

Tính ra, sau 1/2 chặng đường, công ty đã hoàn thành 124% chỉ tiêu doanh thu và 101% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Lí giải về kết quả trên, TCH cho biết hoạt động kinh doanh từ mảng xe thương mại và phát triển bất động sản đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng mạnh trong 6 tháng qua của doanh nghiệp.

Cụ thể, ở mảng xe thương mại, từ làn sóng đầu tư FDI mới tại Việt Nam, nhiều tập đoàn đa quốc gia xúc tiến kế hoạch di chuyển nhiều nhà máy từ nước khác về Việt Nam khiến nhu cầu vận tải tăng dẫn đến doanh thu bán xe đầu kéo Mỹ Navistar tăng 211% so với cùng kì, lên hơn 500 tỷ đồng.

Trong khi đó, với mảng phát triển bất động sản, không chỉ tiếp tục bán và bàn giao nốt một số căn biệt thự liền kề tại dự án Hoàng Huy Riverside (Hải Phòng) và Gold Tower (Hà Nội), công ty trong kì đã hoàn thành bàn giao đến 94% các căn nhà của dự án Hoàng Huy Mall (Hải Phòng) cho người mua.

Ngoài TCH, một mã giảm đáng chú ý khác trong nhóm VN30 là VJC của CTCP Hàng không Vietjet. Tính đến phiên 25/12, mã này đạt 125.900 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 14,9% so với hồi đầu năm.

Dẫu vậy, đà giảm của VJC phần nào có thể giải thích do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Cụ thể, với hoạt động chính là vận tải hàng không, kết quả hợp nhất Quý III/2020 ghi nhận doanh thu đạt 2.809 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 971 tỷ đồng. Theo đánh giá, đây là mức tích cực hơn kế hoạch và rất khả quan so với các hãng hàng không trong nước và trên thế giới.

Chịu tác động kép từ COVID-19 và Nghị định 100 về quy định uống rượu bia khi tham gia giao thông, cổ phiếu SAB cũng có một năm giao dịch kém sắc. Theo đó, tính đến phiên 25/12, thị giá SAB đạt 198.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 9% so với hồi đầu năm.

Dù gặp nhiều bất lợi là thế, KQKD của SAB vẫn khá tích cực với lãi quý III/2020 đạt 1.479 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số lãi 1.460 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu sụt giảm 17% xuống còn 8.052 tỷ đồng. Số lãi này cũng giúp Sabeco tiệm cận quý lãi lớn nhất trong lịch sử – là quý 2/2019 với số lãi sau thuế 1.530 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2020 Sabeco ghi nhận đạt gần 20.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 28,7% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế đạt 3.403 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.257 tỷ đồng.

Ngoài các mã kể trên, VN30 ghi nhận một số cổ phiếu kém sắc khác như BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VIệt Nam (-0,6%), GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (-6,6%), PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (-0,98%) và PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (-8,4%).

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục