Trang chủ » Tài chính » Chứng khoán » Phiên 29/10: Cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh, nhóm Vingroup đồng loạt tăng
Thứ Sáu, 30/10/2020 11:00

Phiên 29/10: Cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh, nhóm Vingroup đồng loạt tăng

Thị trường chứng khoán tiếp tục điều chỉnh trong phiên 29/10 do áp lực lớn từ nhiều cổ phiếu trụ cột.

Sau phiên giảm rất mạnh hôm 28/10, thị trường chứng khoán bước vào phiên 29/10 với sự thận trọng nhất định. Tuy nhiên, đà hồi phục đã quay trở lại với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này giúp có thời điểm các chỉ số thị trường được kéo lên trên mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, sự hồi phục của các chỉ số không duy trì được lâu khi áp lực bán tiếp tục tỏ ra quá mạnh, hàng loạt cổ phiếu trụ cột nhanh chóng giảm sâu và cũng khiến các chỉ số đảo chiều. Trạng thái giao dịch sau đó của các chỉ số là có các nhịp giảm sâu sau đó hồi phục trở lại.

Vào giữa phiên chiều, tưởng chừng như lực cầu mạnh sẽ giúp chỉ số chính VN-Index có được một phiên tăng điểm nhưng tương tự như phiên trước đó, lực cầu lại dâng cao và khiến chỉ số này đóng cửa phiên trong sắc đỏ.

Việc VN-Index tăng hay giảm trong phiên 29/10 phụ thuộc khá nhiều vào cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đó là VIC. VIC có thời điểm tăng 2,8% lên 103.000 đồng/cp và làm trụ đỡ rất tốt cho chỉ số này, tuy nhiên, về cuối phiên, VIC chỉ còn tăng nhẹ 0,5% lên 100.7000 đồng/cp và làm giảm đi đáng kể lực đỡ cho VN-Index. Bên cạnh VIC, 2 cổ phiếu cùng nhóm Vingroup khác là VHM và VRE cũng giao dịch tích cực. VHM tăng 0,8% và VRE tăng 0,4%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Trong khi đó hàng loạt các mã như TCB, CTG, MWG, MSN, VCG, BID, VJC, GAS… giảm sâu và tạo ra áp lực rất lớn. TCB giảm đến 2,7%, CTG giảm 2,7%, MWG giảm 2,6%, VCG gảm 2%, BID giảm 1,7%.

SHB và ACB là nhân tố chính giúp HNX-Index giữ được sắc xanh. Chốt phiên, SHB tăng 0,7% lên 15.100 đồng/cp và ACB tăng 0,4% lên 23.900 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sau một phiên mà sắc đỏ áp đảo trước đó, sự phân hóa đã trở lại, trong đó, khá nhiều cổ phiếu ở nhóm ngành này tăng giá. OCH và TNT được kéo lên mức giá trần. Đây cũng là phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu TNT. Bên cạnh đó, LHG cũng tăng đến 6,5%, VCR tăng 5,7%, SJS tăng 3,9%, ASM tăng 3,8%. Các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao khác cũng tăng tốt có ITA (2,5%), CII (2,2%), LDG (1,4%), SCR (1%).

Chiều ngược lại, nhóm bất động sản vẫn ghi nhận nhiều cổ phiếu thanh khoản cao giảm sâu, trong đó, FLC điều chỉnh giảm trở lại 3,5% xuống 4.150 đồng/cp, TIG giảm 3,5% xuống 4.150 đồng/cp, HDG giảm 2,3% xuống 23.450 đồng/cp, KBC giảm 1,1% xuống 13.800 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,97 điểm (-0,21%) xuống 919,08 điểm. Toàn sàn có 202 mã tăng, 208 mã giảm và 70 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,33 điểm (0,25%) lên 134,37 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 75 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (0,02%) lên 62,74 điểm. 

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Nguồn: Fialda.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn niêm yết giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 8.619 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 482 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 848 tỷ đồng. ITA và HQC là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường với lần lượt 10,2 triệu cổ phiếu và 8,5 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại giao dịch không có nhiều thay đổi khi bán ròng gần 346 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, riêng MSN bị bán ròng lên đến hơn 361 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản như VRE, VIC và KDH cũng nằm trong danh sách các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất phiên 29/10. Chiều ngược lại, VHM và DXG lọt vào top mua ròng với lần lượt 16 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.

Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index giảm phiên thứ tư liên tiếp với mức giảm nhẹ và thanh khoản suy giảm xuống mức thấp hơn trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra trong phiên hôm nay là không thực sự mạnh. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tiếp tục kết phiên ở dưới vùng 930 – 935 điểm (MA20), do đó khả năng giảm của chỉ số là vẫn còn với ngưỡng hỗ trợ tiếp theo quanh 910 điểm (MA10). Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 giảm mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức basis dương xuống còn 0,82 điểm, cho thấy các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh đang thận trọng với khả năng hồi phục của chỉ số.

SHS dự báo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm về ngưỡng hỗ trợ quanh 910 điểm (MA50) trước khi cho phản ứng hồi phục từ đây. Những nhà đầu tư đã bắt đáy thăm dò một phần tỷ trọng danh mục trong vùng 930 – 935 điểm (MA20) trong phiên 28/10 nên tiếp tục quan sát, có thể giải ngân thêm một phần danh mục nữa nếu thị trường có nhịp giảm về quanh ngưỡng hỗ trợ trung hạn quanh 910 điểm (MA50).

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index nhiều khả năng sẽ vẫn đối mặt với rủi ro giảm điểm và có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 895 – 905 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Chỉ số được kỳ vọng sẽ cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại khi tiếp cận vùng kháng cự này. Quá trình điều chỉnh của thị trường có thể sẽ đan xen các nhịp hồi phục kỹ thuật và dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng một đến hai tuần để giúp các nhóm cổ phiếu trên thị trường hình thành mặt bằng giá mới.

Thông tin kết quả kinh doanh quý III/2020 đã không còn tác động đáng kể đến diễn biến thị trường. Thậm chí, hiệu ứng chốt lời sau khi các thông tin được công bố đã xảy ra khiến giá cổ phiếu chịu thêm áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Ngoài ra, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số VN30 và VNDiamond sẽ khiến cho các cổ phiếu vốn hóa lớn trong các rổ chỉ số này biến động mạnh trong phiên cuối tuần.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục