Trang chủ » Doanh nghiệp » Tăng mức tiền xử phạt hành chính vi phạm thủ tục thuế
Thứ Sáu, 23/10/2020 17:00

Tăng mức tiền xử phạt hành chính vi phạm thủ tục thuế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP (Nghị định 125) về xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn, trong đó, điều chỉnh tăng mức xử phạt tiền đối với vi phạm về thủ tục hành chính thuế. Điều này, được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao tính tuân thủ, ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.

Nâng mức phạt hành chính về thuế

Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2014 có 34.837 vụ vi phạm thủ tục thuế và 10.557 vụ vi phạm về hóa đơn; đến năm 2017 con số tương ứng là 103.381 và 27.535; năm 2018 là 192.174 và 45.513. Một trong những nguyên nhân là do mức phạt tiền thấp nên chưa đảm bảo tính phòng ngừa để người nộp thuế nâng cao ý thức chấp hành tốt pháp luật thuế.

Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), Luật Quản lý thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Chính phủ mới ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP (NĐ 125) sẽ có hiệu lực từ 05/12/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Theo đó, chế tài xử phạt đối với một số vi phạm thủ tục thuế đã điều chỉnh tăng cao hơn trước, đồng thời quy định chi tiết hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế, mức phạt tiền cụ thể đối với trốn thuế và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Các vi phạm hành chính với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên; vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên, được xác định là những vi phạm có quy mô lớn. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 10% mức phạt trung bình của khung phạt tiền.

Với nhóm vi phạm thủ tục thuế mức phạt tối thiểu là 500.000 đồng và mức tối đa là 25 triệu đồng. Trong đó, mức phạt tiền tăng mạnh đối với nhóm vi phạm thời hạn đăng ký thuế, chậm nộp hồ sơ khai thuế. Cụ thể, trường hợp vi phạm về thời hạn đăng ký thuế, thời hạn thông báo ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước hạn với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng; vi phạm về thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế, mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 7 triệu đồng.

Đối với nhóm hành vi khai sai, khai không đầy đủ nội dung trong hồ sơ nhưng không dẫn tới thiếu số thuế phải nộp, có mức phạt tiền tối thiểu là 500.000 đồng, tối đa là 12 triệu đồng. Hành vi khai sai, không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 2,5 triệu đồng. Hành vi khai sai không dẫn đến thiếu thuế hoặc trốn thuế nhưng chưa gây hậu quả, bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng.

Đối với nhóm hành vi chậm nộp hồ sơ thuế, mức phạt tiền tối thiểu là 2 triệu đồng, tối đa là 25 triệu đồng. Mức phạt này tăng mạnh so với trung bình hiện hành, cụ thể: Hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế từ 1 đến 30 ngày bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng; chậm nộp từ trên 30 ngày phạt từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng; chậm nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày thuộc hành vi trốn thuế, nhưng người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, hoặc trước khi lập biên bản, thì không bị xử phạt về hành vi trốn thuế, nhưng vẫn bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

Nghị định 125 cũng quy định chi tiết về mức phạt tiền đối với hành vi trốn thuế theo tiêu chí tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Cụ thể, phạt 1 lần số thuế trốn có từ 1 tình tiết giảm nhẹ trở lên; phạt 1,5 lần số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế mà không có tình tiết giảm nhẹ; các trường hợp trốn thuế có tình tiết tăng nặng sẽ bị phạt từ 2 đến 3 lần số thuế trốn.

Bổ sung vi phạm về hóa đơn điện tử

Liên quan đến xử phạt hành chính về hóa đơn, Nghị định 125 cũng kế thừa các qui định hiện hành, có sửa đổi một số nội dung và bổ sung quy định vi phạm về hóa đơn điện tử bị phạt tiền tương ứng với mức phạt tiền đối với hóa đơn giấy, lược bỏ những hành vi trùng lặp và đưa các hành vi tương tự rải rác ở nhiều điều vào 1 điều duy nhất. Sắp xếp lại một số điều, khoản.

Đồng thời, bổ sung một số hành vi để xử phạt đối với vi phạm về hóa đơn điện tử như: Vi phạm quy định về tiêu hủy hóa đơn, lập hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không có kết nối, chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn quy định; chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ; cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử không đảm bảo nguyên tắc theo quy định của pháp luật về hóa đơn. Bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy hóa đơn; buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp do vi phạm hành chính.

Việc ban hành Nghị định 125 về xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn, được ngành thuế kỳ vọng là sẽ tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế, thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế. Khắc phục triệt để những tồn tại hạn chế, bất cập về xử lý vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, qua đó đảm bảo tính công khai, minh bạch, thống nhất, công bằng trong áp dụng pháp luật, đảm bảo đồng bộ trong nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục