Trang chủ » Đầu tư » Chính sách » Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp khu công nghiệp đang thu hút nhiều lao động
Thứ Sáu, 30/10/2020 17:02

Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp khu công nghiệp đang thu hút nhiều lao động

Ngay sau khi COVID-19 trên địa bàn Vĩnh Phúc cơ bản được khống chế, làn sóng tìm kiếm cơ hội đầu tư từ nước ngoài đã sôi động trở lại và các doanh nghiệp đang tìm kiếm lao động với mức lương ổn định.

Bao gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Giầy Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Vĩnh Phúc cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước chịu sự tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 khiến cho không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khó khăn, lao động phải nghỉ việc luân phiên.

Tuy nhiên, ngay sau khi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế, làn sóng tìm kiếm cơ hội đầu tư từ nước ngoài vào Vĩnh Phúc đã sôi động trở lại.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã và đang đứng chân trong khu công nghiệp đã hoạt động trở lại bình thường và đang thu hút nhiều lao động vào làm việc với mức thu nhập khá ổn định.

Gỡ khó kịp thời

Riêng trong 9 tháng năm 2020, tỉnh có 20 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 110 triệu USD.

Những tháng cuối năm 2020, Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thực hiện thu hút đầu tư theo quy hoạch, có chọn lọc gắn với phát triển bền vững từ các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), hướng tới các thị trường tiềm năng Mỹ, EU…

Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chuẩn bị đón đầu tư mới, nhất là sau đại dịch, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã giao các sở, ngành liên quan triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của họ.

Thời điểm dịch COVID-19 lan ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước và ở nhiều quốc gia, nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ… phục vụ sản xuất ở một số ngành bị giảm sút nên các doanh nghiệp phải tìm nhà cung cấp nguyên liệu mới ở các quốc gia khác với giá mua vào cao hơn. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng và giá bán của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng, nghỉ, hoặc hoạt động cầm chừng…

Trên cơ sở đó, Vĩnh Phúc đã thành lập các đoàn công tác đến gặp gỡ, nắm bắt thông tin, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Tỉnh đề xuất với các bộ, ngành Trung ương tạo các điều kiện cho các doanh nghiệp nhập nguyên liệu thô, đồng thời xuất sản phẩm hàng hóa làm ra đang tồn kho để duy trì hoạt động.

Ngành hải quan cũng chủ động trao đổi với các doanh nghiệp về khó khăn với các thủ tục thông quan; kịp thời làm rõ ý kiến, yêu cầu thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu và tăng cường kết nối với nhiều doanh nghiệp có dịch vụ logistics đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại đối với từng nhóm doanh nghiệp trên địa bàn để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết thủ tục cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua mạng Internet và bưu điện, rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp. Cùng đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, thực hiện hỗ trợ miễn, giảm chi phí thông tin quảng cáo, thông báo tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh được tiếp cận vốn vay, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Cụ thể, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 4,5-5%/năm đối với ngắn hạn; 5,5- 8%/năm đối với trung, dài hạn (lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,0-8,5%/năm đối với ngắn hạn; 8,8-10,5%/năm đối với trung và dài hạn). Đồng thời, tiếp tục thực hiện các gói cho vay, chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi (giảm từ 0,5-2%/năm) với quy mô lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Thúc đẩy dòng vốn tái đầu tư

Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết Vĩnh Phúc có thế mạnh phát triển công nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, đồng thời đem lại nguồn thu ngân sách Nhà nước lớn cho tỉnh.

Trong các doanh nghiệp đến đầu tư ở Vĩnh Phúc phải kể đến các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, sản phẩm hàng hóa có giá trị cao và xuất đi nhiều quốc gia trên thế giới như các doanh nghiệp sản xuất ôtô, xe máy, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng điện tử, cơ khí, thép…

Năm 1998, Vĩnh Phúc chỉ có 8 dự án FDI thì đến hết tháng 12/2017, tỉnh đã có 255 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 3,75 tỷ USD. Đến hết tháng 9/2020, tỉnh đã có 402 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư lên hơn 5,7 tỷ USD.

Sự có mặt của các doanh nghiệp đã giúp kinh tế Vĩnh Phúc luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, thu ngân sách bình quân của Vĩnh Phúc những năm gần đây đạt trên dưới 30.000 tỷ đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Kim Dinh, Phó Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc, đặc biệt, gần đây, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trình độ khoa học công nghệ hiện đại, năng lực sản xuất tốt tăng mạnh về số lượng đã giúp người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

Cô giáo và học sinh Khoa điện tử Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc trong giờ học thực hành. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Nếu như năm 2014, các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc có 42.540 công nhân, thu nhập bình quân của công nhân lao động phổ thông từ 3,2 đến 3,4 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2018, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở tỉnh thu hút hơn 82.000 lao động, lao động phổ thông ở các khu công nghiệp có thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Đến tháng 10/2020, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nói chung ở Vĩnh Phúc đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 90.000 lao động và lao động phổ thông ở các khu công nghiệp hiện có thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Có được điều này là do Vĩnh Phúc có hàng loạt cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho lao động và đã đạt được những kết quả tích cực.

Để tiếp tục thúc đẩy các khu công nghiệp phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục cho rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục quy hoạch khu công nghiệp điều chỉnh quy hoạch xây dựng, xác định phạm vi, danh giới, địa điểm khu công nghiệp.

Tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các dự án đã đầu tư hiệu quả tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy dòng vốn tái đầu tư của các dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh làm tăng quy mô và giá trị vốn đầu tư, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục