Trang chủ » Tài chính » Ngân hàng » Vốn hóa TPBank hơn 1,2 tỷ USD
Thứ Ba, 22/12/2020 19:21

Vốn hóa TPBank hơn 1,2 tỷ USD

Phiên giao dịch ngày 22/12, giá cổ phiếu TPB tăng phiên thứ 5 liên tiếp, chạm mức giá 27.600 đồng mỗi cổ phiếu.

Mức giá 27.600 đồng cũng là mức giá cao nhất mà TPB đạt được kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán tháng 4/2018.

Ở mức giá này, quy mô vốn hóa của TPB đạt hơn 28.500 tỷ đồng, lần đầu đưa TPBank gia nhập danh sách các ngân hàng có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.

Sự thay đổi trên bảng xếp hạng vốn hóa của TPBank xuất phát từ đà tăng trưởng giá cổ phiếu của ngân hàng này trong vòng gần một tháng qua. Tính từ 29/10 đến 22/12, giá cổ phiếu TPBank đã tăng từ mức 18.660 đồng lên 27.600 đồng, tương đương mức tăng gần 50%. Đặc biệt, đây là mức tăng sau khi các cổ đông của ngân hàng này cũng đã được chia cổ phiếu thưởng 22,18%.

Tòa nhà TPBank tại 57 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo các chuyên gia, động lực tăng giá của cổ phiếu TPBank một phần xuất phát từ xu hướng của thị trường chung và sự chú ý của nhà đầu tư tới nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính được cho là xuất phát từ nền tảng kinh doanh mà ngân hàng này đã thể hiện trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Kết thúc quý III, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 7.103 tỷ đồng, tăng 22,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, so với cuối quý III năm 2029, chi phí hoạt động tăng 19,64%, thấp hơn tốc độ tăng doanh thu của ngân hàng, và tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm đáng kể.

Kết quả trên đã mang lại cho TPBank 3.024 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25,78% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 74,33% kết hoạch cả năm.

Tỷ lệ nợ xấu TPBank tính đến cuối tháng 9 tiếp tục được kiểm soát ở mức 1,77%. Trái với những lo ngại trước đó khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với trung bình ngành.

TPBank hiện cũng là một trong những ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao trên thị trường. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, hệ số CAR của TPBank đạt 11,4% theo chuẩn Basel II, cao hơn so với mức 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Giữa tháng 11, TPBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 8.565 tỷ đồng lên 10.716 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu. Tăng vốn cũng sẽ giúp TPBank gia tăng được nguồn vốn trung dài hạn, tạo điều kiện để ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở những năm tiếp theo.

Trong một báo cáo mới đây, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research nhận định viễn cảnh cổ phiếu TPBank ở thời điểm cuối năm 2020 và năm 2021 là “khả quan”.

Theo SSI Research, TPBank là ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao nhất toàn ngành trong 3 quý qua, là 22%, cao hơn 3 lần so với bình quân các nhà băng niêm yết cùng hệ thống là 7,2% so với đầu năm.

Điều này là nhờ cho vay các doanh nghiệp lớn, tăng 73% so với đầu năm, trong khi cá nhân tăng 10,7% so với đầu năm. Trong kịch bản cơ sở của SSI Research, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021. SSI Research ước tính TPBank sẽ đạt lợi nhuận trước thuế năm 2020 và 2021 lần lượt là 4.100 tỷ đồng và 4.700 tỷ đồng, tăng 6% và 14%.

Kết quả hoạt động tốt trong 2021 là do thu nhập lãi ròng và thu nhập bancassurance tăng trưởng dù các khoản dự phòng tăng và không có phí bancassurance trả trước bất thường. ROE năm 2020 và 2021 ước tính lần lượt ở mức 22,4% và 20,7%. Đây là tỷ lệ top đầu thị trường hiện nay.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục