Một năm buồn của thị trường bất động sản, từ cú ngã của địa ốc Alibaba đến vụ “vỡ trận” cam kết condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Tiếp đó phân khúc đất nền và căn hộ nghỉ dưỡng “khựng lại” ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý khách hàng, các nhà đầu tư.
Qua đó có thể thấy 2019 là một năm đầy sóng gió của ngành bất động sản Việt Nam.
Di dời nhà máy khỏi nội đô sau vụ cháy Rạng Đông:
Sau vụ cháy Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông với lượng thủy ngân phát tán lên đến 27,2 kg cùng các hóa chất độc hại khác, vấn đề di dời những “ổ chứa” hóa chất trong nội thành, khu dân cư đã liên tục được nhắc đến, ngay cả trong nghị trường Quốc Hội.
Trên địa bàn TP.Hà Nội có 117 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời khỏi nội đô. Trong khi đó từ 2016 đến nay, chỉ 4/177 nhà máy được di dời. Cử tri đề nghị khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi trung tâm thành phố, ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường.
Khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản
Tháng 7, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản bị Công an Hà Nội khởi tố về tội lừa dối khách hàng. Cơ quan điều tra cho biết nhiều dự án xây dựng của Mường Thanh có sai phạm lớn là xây dựng vượt tầng, phá vỡ quy hoạch được duyệt. Doanh nghiệp này còn có các sai phạm trong quá trình chuyển nhượng, thâu tóm dự án.
Công bố kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM. Trong đó, nội dung chính là các vi phạm liên quan đến 4 tuyến đường chính, truy thu thiệt hại và xử lý cán bộ có liên quan.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tưởng chỉ đạo UBND TP.HCM thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền tạm ứng hơn 26.315 tỷ đồng vào ngân sách, trả nợ các khoản vay đầu tư là 4.286 tỷ đồng. Đồng thời, hàng loạt các dự án hạ tầng, thương mại, tái định cư quy mô lớn cũng bị Thanh tra Chính phủ nêu đích danh sai phạm.
Nguồn cung dự án giảm mạnh ở TP.HCM, thiếu nhà giá “vừa túi tiền”
Trong quý III/2019, TP.HCM chỉ có 8 dự án mới đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong 3 năm qua, trong khi con số này ở Hà Nội là 22 dự án. Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, thị trường đang có sự sụt giảm nguồn cung căn hộ từ 1-2 phòng ngủ có mức giá vừa túi tiền, dao động trong khoảng 2 tỷ đồng.
Công bố hàng loạt sai phạm tại Sơn Trà
Tháng 10, sau gần 2 năm thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư tại bán đảo Sơn Trà có nhiều khuyết điểm, vi phạm. Theo đó UBND TP Đà Nẵng chưa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; 7 dự án được giao đất, cho thuê đất vi phạm về an ninh quốc phòng. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng vi phạm trong thẩm định, giao đất; cấp giấy tờ vi phạm Luật Đất đai.
Condotel Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận”
Cuối tháng 11, Tập đoàn Empire, chủ đầu tư dự án condotel Cocobay tại Đà Nẵng thông báo đến khách hàng không thể trả
mức lợi nhuận 12% theo hợp đồng đã cam kết. Lý do chủ đầu tư đưa ra, việc kinh doanh condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn, khung pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều bất cập, thủ tục pháp lý tại địa phương có nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án.
Hàng loạt dự án “ma” bị bóc mẽ
Thị trường bất động sản năm 2019 được đánh giá là một năm với nhiều gam màu xám, trong đó, nổi cộm là tình trạng phân lô bán nền, lập dự án “ma” trên đất nông nghiệp nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các doanh nghiệp như Địa ốc Alibaba, Công ty Angel Lina, Hoàng Kim Land, Hưng Thịnh Phát… thông qua việc bán các dự án “ma” đã lừa hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng.
Đề xuất tăng giá 15% giá đất ở Hà Nội, 45% tại TP.HCM
Tháng 12, UBND TP.Hà Nội đề xuất xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 bình quân 15% so với giai đoạn 5 năm trước, tăng thu cho ngân sách đối với các loại thuế, phí, tiền thuê đất tương ứng khoảng 3.810 tỷ đồng. Tương tự, TP.HCM cũng muốn ban hành bảng giá các loại đất bằng 41% giá thị trường sẽ được áp dụng trong giai đoạn 2020 – 2024, tăng cấp 3 lần so với ngưỡng cũ.