Trang chủ » Bất động sản » Kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng 3 dự án ở Thủ Thiêm
Thứ Ba, 21/07/2020 0:00

Kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng 3 dự án ở Thủ Thiêm

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tiến độ các dự án ở TP HCM chiều 20/7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị người đứng đầu Chính phủ tháo gỡ một số vướng mắc ở các dự án trọng điểm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, đang bị đình trệ.

Đầu tiên là việc tiếp tục thực hiện chủ trương bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm, các kênh mới vào dự án BT (xây dựng – chuyển giao) xây dựng hạ tầng Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM – CII làm chủ đầu tư.

Theo ông Phong, việc này đã được Thủ tướng đồng ý hồi tháng 7/2017. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư theo phương thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) có hiệu lực từ đầu năm sau, hợp đồng BT đã bị khai tử. Cũng theo Luật này, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chuyển tiếp dự án BT.

 

Phối cảnh quảng trường Thủ Thiêm. Ảnh: BQL Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Ông Phong cũng kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo việc triển khai dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để đảm bảo phù hợp với các quy định. Do đây là công trình công cộng có ý nghĩa quan trọng trong khu đô thị và phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của thành phố.

Người đứng đầu UBND thành phố cho biết Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 8.265 tỷ đồng theo hình thức BT. Thành phố đã thanh toán cho nhà đầu tư một số khu đất có giá trị khoảng 12.490 tỷ đồng. Phần chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất và chi phí đầu tư tạm tính khoảng 4.225 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã nộp ngân sách 2.376 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 1.849 tỷ đồng (theo Kết luận Thanh tra là 1.800 tỷ đồng) chưa nộp ngân sách.

Sau đó, doanh nghiệp này đã đề xuất được thực hiện thêm dự án Quảng trường Trung tâm và công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để cân đối phần kinh phí nộp ngân sách còn thiếu và được Thủ tướng chấp thuận. Dự án này trước đây được Chính phủ đồng ý tại các văn bản năm 2014.

Thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ, ngày 12/12/2019, Công ty Đại Quang Minh đã nộp vào ngân sách thành phố số tiền 1.800 tỷ đồng. Số tiền lãi suất chậm nộp sẽ được doanh nghiệp nộp ngay sau khi có ý kiến hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Ngoài ra, UBND TP HCM cũng kiến nghị xem xét cho phép nhà đầu tư tiếp tục được triển khai dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart City tại Khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để tránh các tranh chấp pháp lý bất lợi cho phía Việt Nam. Trước đó, thành phố đã chỉ định Công ty TNHH Lotte Properties HCMC làm chủ đầu tư dự án này.

Trước đó, báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến 15/7, TP HCM đã giải ngân hơn 18.800 tỷ đồng, đạt hơn 45% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Dù việc giải ngân vốn đầu tư công của thành phố cao hơn tỷ lệ chung cả nước, lãnh đạo TP HCM nhận định nhiều dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hợp đồng đối tác công – tư còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong hai kết luận 1483 (ngày 4/9/2018) và 1037 (ngày 26/6/2018), Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND TP HCM và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm như: thu hồi sai 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch; giao đất quy hoạch tái định cư cho 51 doanh nghiệp làm dự án… Thành phố bị yêu cầu thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng bị cho là tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng quy định…

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục