Trang chủ » Tài chính » "Lỡ" kế hoạch tăng vốn 4 năm liên tục, VietABank lại xin tăng vốn lần thứ 5
Thứ Tư, 12/02/2020 0:00

"Lỡ" kế hoạch tăng vốn 4 năm liên tục, VietABank lại xin tăng vốn lần thứ 5

Theo đó, VietABank  dự kiến phát hành 150.5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ hiện quyền là 100:43 (cổ đông sở hữu 1 cp sẽ được 1 quyền mua và cứ 100 quyền mua được mua 43 cp mới phát hành thêm, số cổ phiếu mới phát hành thêm sẽ được làm tròn xuống hàng đơn vị).

VietABank  cho biết, giá trị sổ sách tại thời điểm 31/12/2018 là 12,099 đồng/cp (căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018), nhưng do là đợt phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu nên HĐQT trình ĐHĐCĐ phê duyệt giá chào bán là 10,000 đồng/cp.

Với giá chào bán dự kiến bằng mệnh giá, tổng giá trị phát hành dự kiến đạt gần 1,505 tỷ đồng.

Sau đợt phát hành này, Viet A Bank sẽ tăng vốn điều lệ từ gần 3,500 tỷ đồng lên gần 5,005 tỷ đồng.

Thời gian phát hành dự kiến do HĐQT VietABank quyết định sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận phương án phát hành.

Được biết, VietABank đã “lỡ” kế hoạch tăng vốn 4 năm liên tục (từ năm 2016) và năm 2020 cũng là năm thứ năm liên tiếp ngân hàng này xin tăng vốn điều lệ.

Về kết quả kinh doanh năm 2019,  thu nhập lãi thuần trong năm 2019 giảm 8% so với năm trước. Mua bán chứng khoán đầu tư cũng suy giảm 20% xuống còn hơn 2 tỷ đồng. Đổi lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối đã thoát lỗ từ 978 triệu sang có lãi gần 10 tỷ đồng. Đặc biệt, lãi thuần từ hoạt động khác đột biến tới 221 tỷ đồng, tương ứng tăng vọt 208%.

Do đó, dù chi phí hoạt động ngốn hơn 601 tỷ đồng (tăng gần 7%) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 338 tỷ (giảm 27%) nhưng Việt Á vẫn lãi ròng 244 tỷ đồng, tăng mạnh 106% so với năm 2018.

Quý 4, lợi nhuận sau thuế của Việt Á đóng góp gần 107 tỷ đồng, khả quan hơn mức lỗ hơn 4 tỷ của cùng kỳ 2018. Năm 2019 Việt Á đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 281 tỷ đồng, như vậy với kết quả 302 tỷ đồng thì nhà băng này đã vượt 8% chỉ tiêu đề ra.

Tài sản của Ngân hàng Việt Á tại thời điểm cuối năm 2019 tăng nhẹ hơn 7% lên mức 76.474 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng khả quan 12,42% khi đạt 42.625 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng cũng tăng 14,65% với 47.428 tỷ đồng. Việt Á không công bố đầy đủ phần thuyết minh báo cáo tài chính nên không rõ tình hình nợ xấu của nhà băng này như thế nào. nhưng dựa vào chi phí dự phòng rủi ro tín tụng, có thể dự báo, nợ xấu tại ngân hàng này là con số không hề nhỏ.

Bên cạnh đó, thị giá cổ phiếu VABANK của VietABank lại khiến nhiều người bất ngờ. Trong những ngày đầu năm 2020, giá chào bán và chào mua VABANK chỉ phổ biến ở mức…2.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn tới 80% so với mệnh giá.

Hiện tại, trên thị trường OTC có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu như ABBANK của Ngân hàng TMCP An Bình (9.000 đồng/cổ phiếu), MSBANK của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (9.800 đồng/cổ phiếu),… thì VABANK vẫn đứng ở vị trí quán quân về… thị giá thấp, chưa đủ mua nổi ly trà đá.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục