Trang chủ » Doanh nghiệp » Mất cân đối nguồn cung điện: Miền Bắc và miền Trung thừa, miền Nam bị thiếu
Thứ Năm, 07/01/2021 11:06

Mất cân đối nguồn cung điện: Miền Bắc và miền Trung thừa, miền Nam bị thiếu

Bộ Công Thương vừa cho biết, đã xảy ra tình trạng mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Miền Bắc và miền Trung thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng 80%.

Thông tin tại báo cáo phục vụ hội nghị tổng kết năm 2020 sáng nay (7/1), Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cả năm ước đạt gần 237,561 tỷ kWh, tăng 3,43% so với năm 2019.

Tính chung cả giai đoạn 2016 -2020, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu ước đạt 1.049,3 tỷ kWh, tăng trưởng trung bình trong cả giai đoạn là 8%.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân.

Bộ Công Thương cho biết, đã xảy ra tình trạng mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền.

Tuy nhiên, Bộ cũng chỉ ra một số hạn chế như việc lập và thực hiện quy hoạch điện vẫn còn bất cập. Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo cung ứng điện.

Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 – 2020 chỉ đạt gần 60% so với quy hoạch.

“Đã xảy ra tình trạng mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu”, Bộ Công Thương cho biết.

Ngoài ra, nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát.

Đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết.

“Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng”, Bộ Công Thương cho hay.

Bên cạnh đó, việc huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8 – 10 tỷ USD. Nhiều tập đoàn nhà nước gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của các doanh nghiệp này cũng gặp khó khăn.

Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng được cho biết đang gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ …).

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục