Trang chủ » Đầu tư » Chính sách » Từng bước xoá bỏ bất cập trong phát triển cụm công nghiệp
Thứ Bảy, 12/09/2020 8:56

Từng bước xoá bỏ bất cập trong phát triển cụm công nghiệp

Trước những vướng mắc tồn tại trong đầu tư xây dựng hạ tầng, quản lý hoạt động và xử lý ô nhiễm môi trường… của các cụm công nghiệp (CCN), Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN vừa có hiệu lực đã từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp thu hút đầu tư, hướng tới phát triển CCN hiện đại.

Nhiều điểm mới

Để phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN và lấy ý kiến vào Dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của hai nghị định trên, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị về cơ chế chính sách phát triển CCN vào sáng 11/9, tại Hà Nội.

Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị về cơ chế chính sách phát triển CCN

Trình bày tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thịnh – Trưởng phòng Quản lý CCN – Cục Công Thương địa phương – nêu rõ các điểm mới đáng lưu ý tại Nghị định 66 là việc quy định các căn cứ pháp lý xây dựng phương án phát triển CCN; nội dung phương án phát triển CCN và tích hợp phương án phát triển CCN vào quy hoạch tỉnh, thay thế cho các quy định trong quy hoạch CCN trước đây; giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN; giải pháp đánh giá, dự báo tác động, biện pháp xử lý môi trường của các CCN… Theo đó, phương án phát triển CCN được sắp xếp, phân bố không gian phát triển CCN hợp lý gắn với các chính sách quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng CCN trên cơ sở bảo vệ môi trường, tiết kiệm sử dụng đất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên…

Nghị định 66 cũng hướng mở hơn, tạo điều kiện thu hút phát triển CCN trên cơ sở điều chỉnh phương án phát triển Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trên địa bàn; các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác trên địa bàn. Có sự điều chỉnh quỹ đất dành cho phát triển CCN để đáp ứng nhu cầu thuê đất đầu tư sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và phù hợp với hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng, khả năng cho thuê của các CCN trên địa bàn cấp huyện. Xác định rõ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; trường hợp rút CCN ra khỏi phương án phát triển phải xác định rõ phương án chuyển đổi CCN…

Ngoài ra, khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN khi có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng CCN đáp ứng quy định tại nghị định này để chấm điểm với thang điểm 100 cho các tiêu chí: phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 15 điểm); phương án quản lý, bảo vệ môi trường CCN (tối đa 15 điểm); năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 40 điểm).

Từng bước xoá bỏ bất cập trong phát triển cụm công nghiệp

Từ nhiều điểm mới nêu trên, Sở Công Thương các địa phương sẽ tập trung triển khai các lợi thế, tiềm lực tập trung phát triển các nguồn lực, kêu gọi đầu tư hạ tầng CCN với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó định hướng phát triển các ngành nghề trong CCN là các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp vật liệu mới, chế biến thực phẩm chất lượng cao, công nghệ thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm nguyên liệu vì mục tiêu phát triển bền vững,… Từ đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội ổn định, tăng trưởng bền vững trong giai đoạn mới.

Cụ thể hoá chính sách

Thực tế từ địa phương, ông Bùi Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình – cho biết: Trong 3 năm tỉnh thực hiện Nghị định 68, công tác quy hoạch đầu tư hạ tầng CCN đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo phối hợp thực hiện chặt chẽ, bước đầu đã có được những kết quả rõ nét. Hiện nay, Thái Bình đã quy hoạch 50 CCN, trong đó có 46 CCN được thành lập với diện tích 2.359,6ha; các CCN đều đã và đang có các nhà đầu tư tìm hiểu và nghiên cứu đầu tư hạ tầng. Có thể nói, Nghị định 68 đã giúp việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh được tập trung hơn, tránh đầu tư phân tán không theo kế hoạch, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, huy động được nguồn lực xã hội hoá trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, giảm gánh nặng cho ngân sách… góp phần vào mục tiêu phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình.

Bên cạnh đó, những dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương về thực hiện một số nội dung của Nghị định 68 và Nghị định 66 về quản lý phát triển CCN là một cơ hội cho các địa phương chủ động hoàn thiện xây dựng quy hoạch CCN. Tuy nhiên, cũng cần có quy định hướng dẫn cụ thể hơn về việc điều chỉnh di chuyển đại điểm CCN trên địa bàn. Do thực tế có nhiều CCN được quy hoạch ở vị trí không thuận lợi về giao thông, không có quỹ đất để mở rộng nên thu hút nhà đầu tư hạ tầng cũng như các dự án thứ cấp… trong khi đó thủ tục, quy trình thực hiện di chuyển mất rất nhiều thời gian nên khó khăn cho các địa phương, ông Hạnh kiến nghị.

Tham luận góp ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách phát triển CCN, đại diện Sở Công Thương Đồng Nai cho rằng, trên cơ sở Nghị định 66 vừa ban hành, Sở Công Thương tỉnh đã tham mưu với cấp tỉnh về chấp thuận Sở ban hành quy chế quản lý CCN và quy định chấm điểm lựa chọn nhà đầu tư. Hiện tại, vẫn còn các địa phương còn lúng túng và hạn chế trong tiếp cận pháp luật về đất đai quy hoạch phát triển CCN, dẫn đến khó triển khai, vì vậy kiến nghị Bộ Công Thương có những quy định hướng dẫn chi tiết hơn về quy định đầu tư để địa phương có thể bám sát thực hiện quy hoạch CCN.

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu tại Hội nghị

Trên cơ sơ những ý kiến của đại diện Sở Công Thương các địa phương, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương – cho biết, trong thời gian tới sẽ căn cứ pháp luật đầu tư, khả năng của cơ quan quản lý và điều kiện của địa phương để triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN theo thứ tự ưu tiên, hoàn thành đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư các CCN có khả năng và lợi thế trong việc thu hút đầu tư thứ cấp. Sửa đổi, hoặc xây dựng mới các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng ngân sách địa phương.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tăng cường chỉ đạo UBND cấp tỉnh quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với phát triển CCN; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về công tác quản lý, phát triển CCN giai đoạn sau năm 2020. Đồng thời, đề nghị UBND cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế phối hợp các sở, UBND cấp huyện và đơn vị liên quan về quản lý, giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư hạ tầng và dự án sản xuất trong CCN để có điều chỉnh phù hợp khả năng ngân sách địa phương.

Thường xuyên rà soát tiến độ triển khai quy hoạch, hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ quy định của pháp luật; bố trí CCN tại những vị trí thuận lợi thu hút đầu tư, đấu nối với kết cấu hạ tầng bên ngoài, gần vùng nguyên liệu; chấm dứt tiếp nhận, bố trí các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ở ngoài khu, CCN; tăng cường bố trí ngân sách cho các hoạt động phát triển CCN, đặc biệt hoạt động xúc tiến, thu hút các DN, nhà đầu tư tiềm năng vào lĩnh vực CCN.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục