Trang chủ » Đầu tư » Chính sách » Đề xuất sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô: Phục vụ phát triển trong tương lai, không phải đầu tư ngắn hạn
Thứ Năm, 17/12/2020 17:00

Đề xuất sân bay thứ 2 của vùng Thủ đô: Phục vụ phát triển trong tương lai, không phải đầu tư ngắn hạn

Sân bay Nội Bài (Hà Nội) đang có xu hướng quá tải. Ảnh: Huy Hùng

Theo dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 của Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Sau năm 2040, vùng thủ đô sẽ có thêm sân bay thứ 2, nhưng dự thảo chưa đề cập đến vị trí xây dựng sân bay này.

Cần sớm xác định vị trí sân bay thứ 2

Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ GTVT về dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Cùng với đó, tại sân bay Nội Bài, Cục Hàng không cũng đề xuất năm 2030 sẽ phát triển khu bay phía Bắc và phía Nam với quy mô 3 đường cất hạ cánh, đến năm 2050 sẽ có 4 đường cất hạ cánh và sẽ xây dựng các nhà ga T3, T4 và T5 để đưa tổng công suất lên 100 triệu khách năm vào năm 2050.

Tại tờ trình này, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất phát triển một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô với công suất 50 triệu khách/năm, khi có nhu cầu trong giai đoạn sau năm 2040. Tuy nhiên, dự thảo chưa xác định vị trí sân bay đặt tại huyện Ứng Hòa (TP.Hà Nội) như đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội trước đó mà mới dừng lại ở mức nêu thời điểm đầu tư sân bay thứ hai của vùng thủ đô là sau năm 2040 và xác định vị trí tiềm năng ở phía nam, phía đông vùng thủ đô. Theo các chuyên gia, sau khi quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, cơ quan chuyên ngành sẽ có đề án nghiên cứu kỹ hơn về nhu cầu vận tải, địa hình, đất đai, không lưu, giao thông… để xác định vị trí xây sân bay này.

Đại diện Cục Hàng không cho rằng, việc xác định vị trí xây dựng sân bay số 2 lúc này là quá sớm, vì đây là câu chuyện của thời điểm sau năm 2040. Từ nay đến khi đó là thời gian rất dài, cùng với sự phát triển về công nghệ hàng không thì có thể sẽ có rất nhiều thay đổi.

TS Bùi Doãn Nề – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho hay, theo xu hướng sẽ chuyển mạng đường bay từ trung tâm chính theo điểm nối điểm. Theo đó, các sân bay địa phương sẽ được mở rộng, nhưng đặt ở vị trí nào thì phải liên quan đến quy hoạch chung của mạng lưới sân bay.

Xây dựng sân bay thứ 2 là cần thiết

Theo đại diện Cục Hàng không, việc quy hoạch một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô là định hướng, tầm nhìn phát triển hàng không cho tương lai. Hiện tại, CHK quốc tế Nội Bài đủ năng lực để khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và các vùng lân cận.

Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam – ông Phạm Văn Tới đánh giá, đây mới là đề xuất chưa có vị trí cụ thể và để đưa vào triển khai thì còn rất lâu.

Theo quy hoạch đến năm 2050 sân bay Nội Bài có công suất khai thác 100 triệu hành khách và sân bay thứ 2 sẽ khoảng 50 triệu khách. khi đó dù đã mở rộng CHK Nội Bài thì cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì vậy, phải tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội và việc triển khai cần thực hiện từ năm 2040.

Cũng theo ông Phạm Văn Tới, sau năm 2040 Hà Nội chắc chắn phải có thêm sân bay thứ 2 vì hiện Nội Bài mới đạt khoảng trên 30 triệu nhưng việc ra vào cũng đã khó khăn. Do đó, phải xây dựng dự án và tìm vị trí phù hợp, quy hoạch bầu trời với các đường bay ra sao, mặt đất đường kết nối với các phương thức giao thông có thuận lợi không.

Như Báo Lao Động đã đưa tin, vào đầu tháng 10.2020, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã kiến nghị UBND TP.Hà Nội giao các sở, ngành liên quan dự thảo văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Ứng Hòa.

Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 tại Quyết định 768), có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô, gồm sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện Hà Nội chưa cần thêm một sân bay dân dụng nữa vì công suất của Nội Bài vào năm 2050 sẽ là 100 triệu khách/năm và hiện mới khai thác được khoảng 30 triệu khách. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn cho vài chục năm, thậm chí cả trăm năm thì vẫn cần có thêm một sân bay phục vụ cho vùng Thủ đô Hà Nội. Hay nói cách khác, việc đề xuất quy hoạch vị trí sân bay là để phục vụ nhu cầu phát triển trong tương lai, chứ không phải là đầu tư ngay.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục