Trang chủ » Đầu tư » Hà Nội dành 7.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm để xây mới, nâng cấp đường
Thứ Hai, 05/10/2020 18:53

Hà Nội dành 7.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm để xây mới, nâng cấp đường

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, trung bình mỗi năm TP Hà Nội dành khoảng 7.000 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho ngoại thành.

Ông Vũ Hà – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong 5 năm qua, hàng loạt các công trình giao thông được khởi công xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng như cầu Nhật Tân, đường cao tốc từ Hà Nội đi Lào Cai, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hòa Bình… tạo điều kiện để Hà Nội chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường do Trung ương đầu tư với đường địa phương; chủ động trong công tác quản lý, duy tu duy trì và phát huy được đúng tiềm năng của mình.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm do TP thực hiện cũng đã được hoàn thành, góp phần cải thiện, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông hiệu quả như Vành đai 2; cầu Vĩnh Tuy; Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); QL1A (đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi); cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt, An Dương – Thanh Niên. Nhờ đó, giao thông đã và đang phát huy tích cực vai trò nguồn lực quan trọng trong sự phát triển chung của TP.

Theo ông Vũ Hà, trung bình ngân sách của TP dành khoảng 7.000 tỷ đồng/năm để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường. Trong đó, TP ưu tiên bố trí vốn dành cho giao thông ngoại thành đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trung bình khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Mật độ đường theo quy hoạch cần đạt 4-6,5 km/km2 (hiện là 1,7 km/km2).

Ông Vũ Hà – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.


Tuy vậy, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà, những thành quả đạt được như trên mới chỉ là bước đầu và đang trong quá trình hiện thực hóa Quy hoạch GTVT Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Nguyên nhân cốt lõi là do chưa có tuyến vành đai nào được đầu tư hoàn chỉnh; các cầu vượt sông còn thiếu so với nhu cầu; mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung chưa đầu tư hình thành đồng bộ; các tuyến đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.

Đặc biệt khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% so với nhu cầu thực tế, 80% là huy động từ các nguồn PPP, ODA…

“Có thể nói một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Thiếu vốn là nguyên nhân chủ yếu làm chậm bước phát triển kế cấu hạ tầng giao thông”, ông Vũ Hà nói.

Để huy động hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, theo ông Vũ Hà, thời gian tới TP cần chú trọng vào 8 giải pháp lớn, trong đó có 4 nhóm giải pháp cụ thể nhằm tăng cường nguồn vốn. Cụ thể, đó là rà soát các quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan đơn vị, quỹ đất trước đây dự kiến bố trí làm đất đối ứng triển khai cho các dự án đầu tư theo hình thức BT (hiện không sử dụng đối ứng nữa theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư), để chủ động lập quy hoạch, tổ chức đấu giá, tạo nguồn thu theo đúng quy định.

Xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD (mô hình đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) để khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị… tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý khai thác vận hành chính các tuyến này.

TP cũng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế chính sách để tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đấu giá, vừa tạo nguồn thu vừa tạo mặt bằng phục vụ thi công các công trình. Bố trí, giao vốn và thanh toán linh hoạt đối với chi phí giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, loại bỏ các thủ tục không còn phù hợp, đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công… tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định.

Theo ông Hà, ngoài các giải pháp nêu trên còn cần chú trọng vào việc sử dụng hợp lý nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên đối với các công trình. Đồng thời phát triển hợp lý các phương thức vận tải, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của TP.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP cũng cần phải tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức, quản lý đầu tư tốt, để chủ động đầu tư, nhằm hỗ trợ giảm tải áp lực ngân sách TP. TP tập trung đầu tư các tuyến đường kết nối liên huyện, đường sắt đô thị; ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn. Điều quan trọng là phải bố trí đủ vốn cho các dự án theo quy hoạch, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.

“Bên cạnh đó cũng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn, nhằm nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình này, đảm bảo việc thực hiện đầu tư có hiệu quả, tránh lãng phí, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà nói thêm.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục