Trang chủ » Quốc tế » Nợ nần chồng chất khiến Mỹ khó phục hồi thế nào
Chủ Nhật, 04/10/2020 7:17

Nợ nần chồng chất khiến Mỹ khó phục hồi thế nào

Mỹ bước vào cuộc suy thoái mới với mức nợ kỷ lục và đây chính là tin xấu cho quá trình phục hồi.

Covid-19 đã cắt đứt quá trình mở rộng kinh tế dài nhất trong lịch sử Mỹ. Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất. Bởi lẽ, khi nước này lâm vào suy thoái vì dịch thì họ lại đang nợ nần chồng chất.

Vì sao điều này là vấn đề đáng ngại? Các nền kinh tế nợ nhiều thường có khả năng phục hồi yếu hơn. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng tập trung vào việc cắt giảm các khoản nợ của họ trong thời kỳ suy thoái hơn là chi tiêu, trong khi chi tiêu là những gì một nền kinh tế cần để phục hồi.

Trong nhiều năm, việc tăng vay được thúc đẩy bởi lãi suất thấp, khiến núi nợ đạt 64.000 tỷ USD, bao gồm nợ tiêu dùng, doanh nghiệp và nợ chính phủ. Con số này nhiều thế nào? Nó gấp ba lần GDP của Mỹ.

Một số loại nợ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn những loại khác. Mảng quan trọng nhất của sự phục hồi là chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm gần 70% nền kinh tế Mỹ. Theo một nghiên cứu về các nền kinh tế tiên tiến trong hơn 30 năm của các nhà nghiên cứu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mức nợ hộ gia đình cao sẽ dẫn đến xu hướng kéo dài thời gian suy thoái và tăng mức độ nghiêm trọng của suy thoái.

Tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ qua – bao gồm cả thị trường chứng khoán và giá nhà ở Mỹ – đã mang lại lợi ích nhiều nhất cho các hộ gia đình giàu có, trong khi những hộ gia đình có thu nhập thấp hơn bị tụt lại phía sau. Thu nhập trung bình thực tế của hộ gia đình đã giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính và không vượt qua mức kỷ lục năm 1999, đã được điều chỉnh theo lạm phát, là 61.526 USD

Nợ tiêu dùng phi nhà ở tại Mỹ giai đoạn 2007-2020 (nghìn tỷ USD). Trong đó, từ dưới lên là nợ mua ôtô, nợ thẻ tín dụng, nợ sinh viên. Đồ họa: WSJ

Nợ thế chấp, chủ yếu ở những người lao động được trả lương cao, không thay đổi nhiều. Ngược lại, các hộ gia đình có thu nhập thấp lại tăng các khoản vay mua ôtô, nợ sinh viên và thẻ tín dụng.

Trước khi đại dịch xảy ra, tỷ lệ dư nợ cho vay mua ôtô quá hạn gần như đạt đến mức tương tự cuộc khủng hoảng tài chính. Người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp có xu hướng chi tiêu nhiều hơn thu nhập của họ, vì vậy mức nợ cao có nghĩa là họ có thể sẽ tiêu dùng ít hơn.

Các doanh nghiệp cũng đã đi vay với tốc độ kỷ lục trong những năm gần đây, khiến năm ngoái, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng, mức nợ doanh nghiệp cao trong thời kỳ suy thoái có thể buộc các công ty phải giảm chi tiêu để trả những gì họ nợ. Thay vì sử dụng tiền mặt để đầu tư, nhiều công ty đã mua lại cổ phiếu chính mình để tăng giá cổ phiếu. Vào năm 2018, giá trị mua lại đạt mức kỷ lục 806 tỷ USD.

Chất lượng nợ của công ty bị ảnh hưởng, với số lượng trái phiếu được xếp hạng B – hạng chất lượng thấp nhất để đầu tư – đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua. Các công ty có xếp hạng như vậy có nguy cơ tụt hạng, vỡ nợ và chi phí đi vay cao hơn trong giai đoạn khó khăn. Cho đến nay, nhờ việc kích thích của chính phủ và lãi suất thấp đã giúp các công ty tránh phải vật lộn với khó khăn tài chính.

Diễn biến các loại nợ tại Mỹ giai đoạn 2007-2020 (nghìn tỷ USD). Trong đó, các đường đồ thị (từ trên xuống) gồm nợ chính quyền liên bang, nợ chính quyền tiểu bang và địa phương, nợ phi tài chính của doanh nghiệp, nợ của hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận. Đồ họa: WSJ.

Trong khi đó, chính quyền tiểu bang và địa phương đã không tích lũy đủ để tài trợ cho chi phí lương hưu ngày càng đắt đỏ. Điều đó sẽ càng phức tạp khi thuế bán hàng và thuế thu nhập giảm mạnh. Nhiều chính quyền tiểu bang và địa phương đã cắt giảm dịch vụ và nhân công.

Các cuộc suy thoái trước đây đã cản trở khả năng chi trả lương hưu của các chính quyền tiểu bang. Một số bang có các khoản nợ lớn đã thực hiện các khoản vay gắn với dòng doanh thu cụ thể, chẳng hạn như thuế bán hàng, để giảm chi phí đi vay, hiện thậm chí sẽ khó trả hơn.

Sau đó là nợ liên bang. Các nhà lập pháp ở cả hai đảng không quá lo lắng về thâm hụt liên bang ngày càng tăng trong những năm gần đây. Nó đã tăng lên hàng năm kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, được thúc đẩy bởi tăng chi tiêu cho quốc phòng, các chương trình được quốc hội phê duyệt và chi phí an sinh xã hội. Thêm vào thâm hụt trong năm nay còn có 2.200 tỷ USD kích thích của chính phủ.

Thâm hụt liên bang của Mỹ thập niên qua (nghìn tỷ USD). Đồ họa: WSJ.

Tin tốt là một số nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách tin rằng nợ liên bang ít được quan tâm hơn trong các cuộc suy thoái trước đây, nhờ lãi suất thấp. Tuy nhiên, thâm hụt lớn hơn đồng nghĩa với việc trả lãi nhiều hơn, đã tăng gấp bốn lần trong hai thập kỷ qua, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội. Ngay cả sau khi chi tiêu liên quan đến đại dịch kết thúc, khoản thâm hụt vẫn tiếp tục tăng lên để trang trải chi phí gia tăng của các quyền lợi an sinh xã hội và các chương trình y tế lớn.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục