Trang chủ » Bất động sản » Dự án » Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm ở Dự án nhiệt điện Thái Bình 2
Thứ Năm, 06/08/2020 17:37

Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm ở Dự án nhiệt điện Thái Bình 2

Quá trình thẩm định, phê duyệt Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 được kết luận có nhiều vi phạm, khiến đội vốn hơn 10.000 tỷ đồng.

Ngày 6/8, sau gần 4 tháng thanh tra, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và khu “đất vàng” tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Cả hai dự án này đều có liên quan đến Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT, giai đoạn 2007 – 2013.

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu EPC. Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư trên 31.000 tỷ đồng nhưng đến nay bị đội vốn hơn 10.700 tỷ lên gần 41.700 tỷ đồng.

Theo kết luận, việc thẩm định quyết định phê duyệt dự án có nhiều sai phạm. Trước ngày 1/8/2010, dự án được chia làm hai dự án, là công trình quan trọng quốc gia, do đó thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đầu tư thuộc Thủ tướng, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên dự án chưa được Quốc hội thông qua, Hội đồng quản trị PVN( Tập đoàn dầu khí Việt Nam) căn cứ trên công văn do Phó thủ tướng ký và hồ sơ thẩm định dự án của PVN để phê duyệt là không đúng quy định theo Luật Xây dựng năm 2003.

“Trách nhiệm này thuộc về PVN, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo quyết định đầu tư dự án”, kết luận nêu.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Hoài Thu

Trong khi đó, quá trình đầu tư dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 31.500 tỷ đồng lên gần 41.800 tỷ đồng do việc điều chỉnh hợp đồng EPC không đúng theo quy định của Chính phủ. “Như vậy, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư trên 10.700 tỷ đồng là sai quy định”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

Ngoài sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra việc chỉ định gói thầu EPC cũng vướng nhiều vi phạm. Chưa xác định được các điều kiện chỉ định theo quy định nhưng PVN đã đề xuất để Bộ Công Thương đồng ý trình Thủ tướng xem xét và uỷ quyền để chỉ định thầu. Trong khi đó, nhà thầu PVC lại chưa có năng lực và chưa từng làm tổng thầu xây dựng các dự án lớn tương tự. Hồ sơ năng lực của PVC cũng chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu xây dựng nhưng vẫn được chỉ định làm.

Đặc biệt, sau khi ký kết hợp đồng tổng thầu EPC, PVC không làm theo đúng cam kết. “Việc này là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dự án chậm tiến độ, phát sinh chi phí lãi vay giai đoạn năm 2016-2019 gần 82 triệu USD (hơn 1.800 tỷ đồng).

Được khởi công vào năm 2011 và kỳ vọng hoàn thành vào năm 2018, nhưng đến nay dự án vẫn còn nhiều hạng mục dang dở. Tính đến tháng 4, dự án giải ngân trên 33.000 tỷ đồng (tương ứng khoảng 80% giá trị tổng mức đầu tư). Dự án đang hoàn thiện việc mua sắm vật tư, nhiên liệu, thiết bị và hoàn thành 4 hạng mục đang chạy thử.

Trước đó, tháng 9/2017, liên quan đến các sai phạm ở dự án này, Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Đình Mậu – Kế toán trưởng Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); Vũ Hồng Chương, nguyên trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2; Trần Văn Nguyên, kế toán trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.

Cả 4 bị can đều bị bắt, khởi tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVC làm tổng thầu. Cơ quan điều tra cáo buộc các bị can có dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký Hợp đồng EPC của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục