Trang chủ » Doanh nghiệp » Cửa tăng trưởng của Coteccons bị "khóa trái" bởi những bất đồng nội bộ
Thứ Sáu, 28/02/2020 0:00

Cửa tăng trưởng của Coteccons bị "khóa trái" bởi những bất đồng nội bộ

Đà tăng trưởng chững lại

CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) được biết đến là một trong những đơn vị xây dựng hàng đầu tại Việt Nam với vai trò tổng thầu, thiết kế và thi công hàng loạt các dự án lớn trong cả nước.

Tuy nhiên, hiện Coteccons  đang trải qua giai đoạn thử thách nhất trong nhiều năm trở lại. Doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp đều suy giảm, các dự án vướng mắc trong công tác triển khai và nguồn việc ít khiến cạnh tranh đấu thầu ngày càng gay gắt.

Thị trường xây dựng gặp khó khăn là suy nghĩ đầu tiên khi nói về kết quả kinh doanh xuống dốc của Coteccons. Nhưng nhìn sang người bám đuổi là Hòa Bình (HOSE: HBC), dù lợi nhuận đi lùi nhưng doanh thu vẫn tăng trưởng, khó ai hài lòng với lời giải thích đơn giản đó.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp đầu ngành xây dựng này đạt gần 16.199 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần thời điểm mới lên sàn cách đây 10 năm.

Đáng chú ý, Coteccons là doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn thường xuyên duy trì lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi) lớn đồng thời nói không với vay nợ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, số dự tiền mặt tính đến cuối năm 2019 của doanh nghiệp này chiếm tới 25% tổng tài sản, lên đến hơn 4.000 tỷ đồng trong đó hơn 3.200 tỷ đồng là tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng.

Việc thường xuyên duy trì một lượng tiền mặt dồi dào giúp Coteccons luôn đảm bảo cáo chỉ tiêu thanh toán ở mức cao. Cùng với đó, khoản tiền gửi lớn cũng mang về cho doanh nghiệp này hàng trăm tỷ đồng tiền lãi mỗi năm, đóng góp đáng kể vào doanh thu tài chính.

Tuy nhiên, việc nắm giữ một lượng tiền mặt lớn đồng thời không sử dụng đòn bẩy tài chính từ hoạt động vay nợ khiến giới đầu tư hoài nghi về vấn đề tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn và khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Có thể thấy, đà tăng trưởng của Coteccons đã có dấu hiệu chững lại rõ rệt với biên lợi nhuận sụt giảm mạnh trong một vài năm trở lại đây. Sau một năm tăng trưởng đột biến (2016), lợi nhuận sau thuế của Coteccons gần như đi ngang trong giai đoạn 2016-2018 sau đó với CAGR LNST chỉ ở mức 3% trong khi CAGR doanh thu trong cùng thời kỳ vẫn đạt mức 17%.

Năm 2019, Coteccons ghi nhận 23.733 tỷ doanh thu, giảm 17% so với năm trước và chỉ thực hiện 88% kế hoạch được giao. Do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến làm tăng chi phí cố định và áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận gộp. Biên lãi gộp sụt giảm năm thứ 4 liên tiếp, xuống chỉ còn 4,4%, thấp nhất kể từ khi hoạt động.

Sau khi trừ các chi phí, Coteccons chỉ thu về 711 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 53% so với năm 2018 và là mức thấp nhất kể từ năm 2015. Kết quả này khiến doanh nghiệp đầu ngành xây dựng không kịp hoàn thành kế hoạch được giao.

Ngoài ra, khó khăn chung của thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hồi dòng tiền của Coteccons. Doanh nghiệp này thường xuyên phải sử dụng nguồn tiền sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đội thi công theo điều khoản trong hợp đồng đã ký.

Theo báo cáo phân tích ngành xây dựng công bố mới đây, CTCK FPTS cho rằng, Coteccons có thể sẽ gặp khó khăn trong năm 2020 khi lĩnh vực xây dựng dân dụng, chiếm 75% tổng doanh thu của doanh nghiệp này tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Đồng thời, CTCK này cũng đánh giá mục tiêu doanh thu từ cơ sở hạ tầng đạt 50% tới 2020 của Coteccons khó thực hiện do kinh nghiệm trong lĩnh vực này còn hạn chế.

Bất hòa “khóa trái” cửa tăng trưởng

Đỉnh điểm mâu thuẫn nội bộ ở Coteccons xuất hiện khi Kustocem cực lực phán đối kế hoạch Coteccons nhận sáp nhập Ricons- doanh nghiệp mà Coteccons sở hữu 15% vốn.

 

Cơ cấu cổ đông CTD

Theo đại diện của Kustocem Pte. Ltd, thương vụ M&A với Ricons không cho thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng, không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại. Thay vào đó, Ban lãnh đạo Coteccons tập trung vào giá trị cốt lõi của Công ty sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn thương vụ M&A này.

“Việc sử dụng cổ phiếu của Công ty để chi trả cho các thương vụ M&A không hợp lý đến khi hiệu quả hoạt động tài chính của Coteccons khởi sắc hơn và giá cổ phiếu đạt đến giá trị thực xứng đáng”, đại diện của Kustocem nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Coteccons đang phải đối mặt với chính “người nhà”, đó là CTCP Xây dựng Central – Central Cons. Chủ tịch HĐQT của Central Cons là ông Trần Quang Tuấn – nguyên Phó tổng giám đốc và cũng là một trong những cổ đông sáng lập Coteccons. Dù mới thành lập nhưng Central Cons liên tiếp trúng thầu nhiều hợp đồng lớn, đặc biệt từ những khách hàng truyền thống của Conteccons.

Các chuyên gia cho rằng, mâu thuẫn nội bộ của Coteccons kéo dài do quản trị doanh nghiệp không được đảm bảo chính là nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu CTD liên tục sụt giảm trong thời gian qua.

Trước các mâu thuẫn cũ và bất hòa mới, ban lãnh đạo của Coteccons đặt kế hoạch kinh doanh thấp hơn năm trước. 

Một chuyên gia quản trị cho rằng, nếu mâu thuẫn nội bộ ở Coteccons tiếp tục kéo dài, sẽ tiếp tục cản trở chiến lược phát triển của doanh nghiệp này. “Mâu thuẫn nội bộ sẽ chỉ được hóa giải khi lãnh đạo Coteccons tìm được tiếng nói chung với nhóm cổ đông ngoại Kusto, với điều kiện những quyết định liên quan đến nhóm cổ đông nào thì nhóm ấy không được biểu quyết”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết thêm, nếu nhóm nhà cổ đông liên quan đến Kusto tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu ở Coteccons và liên kết với các cổ đông ngoại khác để có tỷ lệ chi phối cũng là một hướng đi mới cho Coteccons trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục