Trang chủ » Công nghệ » Kênh YouTube xác thực 2 yếu tố vẫn bị hack, có thể mất sạch video
Thứ Sáu, 02/10/2020 17:00

Kênh YouTube xác thực 2 yếu tố vẫn bị hack, có thể mất sạch video

Kênh chia sẻ về thiết bị, phần mềm làm phim của Việt Nam là nạn nhân mới nhất của trò hack và phát nội dung lừa đảo liên quan tới tiền mã hóa.

Thời gian qua, rất nhiều kênh YouTube đã bị hack để chiếu những nội dung đến tiền mã hóa. Từ đầu tháng 8, một loạt video phát trực tiếp trên YouTube với những tựa đề hấp dẫn. Khi bấm vào xem, phần lớn video hiển thị các thông điệp kêu gọi gửi Bitcoin cho một địa chỉ ví điện tử, sau đó sẽ được nhận lại gấp đôi lượng Bitcoin.

Kênh Làm phim nghiệp dư bị hack, đổi tên, ẩn hết video. Phần hình ảnh kênh bị đổi thành ảnh của Elon Musk, đặc điểm nhận dạng của các kênh livestream lừa đảo.

Kênh YouTube Làm phim nghiệp dư với gần 180.000 lượt đăng ký là nạn nhân mới nhất của những vụ hack này. Ngày 30/9, Mạnh Cường, chủ kênh Làm phim nghiệp dư cho biết trên trang cá nhân kênh đã bị hack. Ngay sau đó, kênh đổi tên thành Live News, và sau hơn 1 ngày thì hàng trăm video cũ đã bị ẩn.

“Lúc đó khoảng 1h sáng, tôi chuẩn bị đi ngủ thì thấy thông báo cần nhận lại mật khẩu trên điện thoại. Vào kiểm tra email thì thấy mail báo mật khẩu của tài khoản đã bị đổi 1 giờ trước, dù tôi sử dụng bảo mật 2 lớp của Google, trong đó lớp thứ 2 máy sẽ hiện thông báo khi yêu cầu đăng nhập mới, mình bấm xác nhận thì mới vào được.

Sau đó kênh bị đổi tên, tôi dùng email phụ, là email được thêm vào để quản lý kênh, lên livestream để thông báo bị hack. Đến khoảng 4h tôi bị hack luôn email phụ. Đang cầm điện thoại trên tay, bấm từ chối đăng nhập lạ từ Latvia, vậy mà vẫn mất luôn mail đó”, anh Cường chia sẻ với Zing.

Sau khi đổi tên, kênh cũ của Cường bắt đầu phát các video lừa đảo về tiền mã hóa. Cường cho biết anh không kịp xem những nội dung đó, nhưng vẫn biết vì được bạn bè gửi hình. Sau hơn 1 ngày bị hack, đến sáng 1/10 toàn bộ hơn 300 video của kênh Làm phim nghiệp dư cũ đã bị ẩn đi.

“Cũng may mình được anh em hỗ trợ, mọi người đã tải hết các video từng đăng lên kênh xuống. Mình cũng đoán được nguyên nhân dẫn đến bị hack rồi, nhưng sẽ chờ xem vài ngày nữa nếu lấy được kênh về thì sẽ làm video về nguyên nhân này để cảnh báo mọi người”, Cường cho biết.

Sau khi bị lấy, các kênh sẽ phát trực tiếp nội dung lừa đảo, kêu gọi ủng hộ tiền mã hóa. Ảnh: Tuấn Anh

Hiện tại Cường đang nhờ bạn bè liên hệ với bộ phận hỗ trợ của YouTube để lấy lại kênh của mình. Cường sử dụng Twitter để liên lạc với tài khoản chính thức của YouTube, và tài khoản này đã phản hồi để hướng dẫn lấy lại kênh.

“Hiện thì mình vẫn còn hy vọng vì thường thì YouTube vẫn hỗ trợ lấy lại kênh, và có thể lấy lại một lượng video cũ. Có điều đợt này YouTube đang cắt bớt nhân sự mà số creator (người làm nội dung) thì ngày càng nhiều nên phải chờ hơi lâu”, Mạnh Cường cho biết.

Các vụ hack, chiếm quyền kiểm soát kênh để kêu gọi ủng hộ Bitcoin, ETH đã xảy ra nhiều tháng nay. Chủ nhiều kênh bị hack đều chia sẻ kể cả bảo mật 2 lớp cũng bị vượt qua dễ dàng. Hacker thu lợi hàng nghìn USD sau khi hack được kênh có lượng theo dõi cao.

Theo MarcoStyle, một YouTuber từng bị hack kênh vào cuối năm 2019, thủ đoạn hack này đã tồn tại từ lâu. MarcoStyle cho biết kênh của anh bị xâm nhập sau khi anh bị lừa bấm vào một đường link trong email. Sau khi chiếm được tài khoản điều khiển, hacker đã đổi thành kênh của thương hiệu, cho phép nhiều tài khoản cùng quản lý.

MarcoStyle cho rằng phương pháp hack này có thể hạn chế nếu YouTube áp dụng xác thực hai yếu tố mỗi lần đăng nhập hoặc tải video lên.

“Đúng là không thế bắt YouTube khắc phục ngay sau khi tôi mắc lỗi. Tuy nhiên, tôi cũng ước giá mà YouTube có thêm nhiều lựa chọn bảo mật hơn”, MarcoStyle nói trong video kể lại vụ hack.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục