Trang chủ » Doanh nghiệp » Nền kinh tế chia sẻ có đang đe dọa sự sống còn của doanh nghiệp truyền thống?
Thứ Tư, 06/11/2019 0:00

Nền kinh tế chia sẻ có đang đe dọa sự sống còn của doanh nghiệp truyền thống?


 Nền kinh tế chia sẻ có đang đe dọa sự sống còn của doanh nghiệp truyền thống?

Khái niệm “kinh tế chia sẻ” (sharing economy) được khai thác dưới các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng, kết hợp với công nghệ để tạo thành một mô hình kinh doanh. Kinh tế chia sẻ còn được biết đến dưới những tên gọi khác như “kinh tế theo cầu” (on-demand economy), kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế truy cập (access economy).

Kinh tế chia sẻ không những mang đến nhiều ưu điểm vượt trội như tiện lợi, nhanh chóng, giá cả hợp lý, tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi, giảm thiểu khai thác mới tài nguyên nên góp phần bảo vệ môi trường, luồng gió mới này ngày càng “nắm bắt tâm lý” người tiêu dùng – nhất là những người trẻ thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1980 – 1995) và Gen Z (1996 – 2000).

Do đó, nhiều mô hình kinh doanh truyền thống đang “bước lùi” trước sự lớn mạnh của kinh tế chia sẻ, xem những ứng dụng công nghệ tiên tiến là đối thủ trực tiếp giành thị phần với mình. Nếu những doanh nghiệp này “ngại” chuyển hoá mình dựa trên các đặc điểm đặc thù của mô hình kinh tế chia sẻ thì hoàn toàn không có cửa cạnh tranh trong tương lai. 

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp truyền thống giữ vững lợi thế cạnh tranh trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này?

Ba phương diện then chốt

Độ nhận biết thương hiệu, giá cả và mức độ tiện ích của dịch vụ là ba nhân tố được mỗi người tiêu dùng “cân đo đong đếm” trước khi quyết định sử dụng sản phẩm.

Thương hiệu

Đây là phương diện mà các doanh nghiệp truyền thống, có uy tín lâu năm vẫn đang nắm quyền. Những thương hiệu quen thuộc, chất lượng, “không treo đầu dê, bán thịt chó” luôn chiếm ưu thế trong sự lựa chọn của người tiêu dùng, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, thích trải nghiệm cái mới hay trung thành với thói quen. Thế nên, nếu bạn đang sở hữu một thương hiệu mạnh, thì hãy “giữ vững phong độ” và phát huy tài sản vô giá này.

Ở bên kia “chiến tuyến”, các nhà khởi nghiệp trẻ hiểu rõ sức mạnh thương hiệu hơn ai hết. Cuộc đổ bộ của không ít thương hiệu còn khá “non” tuổi đời, nhưng đã khiến người tiêu dùng gọi tên mình ngay khi nghĩ đến một ngành hàng: Grab khi cần dịch vụ di chuyển, Airbnb khi muốn thuê phòng…

Giá cả

Giá rẻ ai mà không thích. Đã qua rồi thời “của rẻ là của ôi”, người tiêu dùng thông minh thời hiện đại chỉ đưa ra quyết định mua sắm cuối cùng sau khi đã hoàn thành quá trình nghiên cứu về dịch vụ, giá cả hay chất lượng của sản phẩm.

Khảo sát của Vision Critical cho thấy hơn 50% người tiêu dùng truyền thống sẵn sàng chọn sản phẩm của kinh tế chia sẻ, nếu nó giúp họ tiết kiệm 25%. Giá cả đóng vai trò khá quan trọng trong quyết định mua hàng của Millennials và Gen Z.

Mức độ tiện ích

Theo khảo sát của Vision Critical, một tổ chức nghiên cứu khách hàng uy tín, 78% người tiêu dùng ưu tiên đặt mức độ tiện ích lên bàn cân của quá trình quyết định mua hàng.

Thử nghĩ, sẽ không còn nhiều người còn muốn đội nắng mưa đi hàng cây số mua hàng, trả bằng tiền mặt hay chuyển khoản từ ngân hàng rất lỉnh kỉnh, tốn thời gian trong khi ta có thể ngồi tại phòng làm việc máy lạnh mà đặt món ngon trên GrabFood chỉ bằng vài thao tác bấm điện thoại, rồi thanh toán trong nháy mắt bằng ví Moca…

Chìa khoá thành công cho doanh nghiệp chính là tối ưu hoá sự tiện lợi của dịch vụ.

Khách hàng là thượng đế

Doanh nghiệp cần nỗ lực đưa khách hàng làm trung tâm dù chọn “mũi nhọn tiến công” trên phương diện nào. Doanh nghiệp cũng cần đứng trên lập trường của khách hàng, thấu hiểu thái độ, sở thích, thói quen tiêu dùng của khách hàng, từ đó, t
ạo ra sản phẩm, dịch vụ “gãi đúng chỗ ngứa” cho họ.

Năng lực cầm quyền của xu thế tất yếu

Trước sự lên ngôi “chóng mặt” của xu hướng điện tử trong thời đại số, các doanh nghiệp truyền thống không còn cách nào khác là phải linh hoạt ứng dụng công nghệ, tận dụng tài nguyên nhàn rỗi trong cộng đồng, tương tác tích cực với người tiêu dùng qua các kênh thông tin đa dạng… để nâng cao mức độ tiện ích cho sản phẩm, giảm giá thành, tăng uy tín cho thương hiệu cũng như phục vụ khách hàng tốt hơn.

Thực tế cho thấy, đây là hướng đi của kinh tế chia sẻ. Mô hình này đã tạo ra áp lực cạnh tranh đối với loại hình kinh doanh truyền thống. Nói cách khác, muốn cạnh tranh tốt, giữ vững thị phần thì các doanh nghiệp truyền thống sớm muộn gì cũng phải chuyển mình thành một phần của nền kinh tế chia sẻ.

Chỉ có một con đường để tồn tại và phát triển: nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy sự đổi mới để hoà nhập cùng nền kinh tế chia sẻ. 

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục