Trang chủ » Doanh nghiệp » Top 5 bí quyết xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả
Thứ Hai, 25/11/2019 0:00

Top 5 bí quyết xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả


Làm thế nào để xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

 Mỗi doanh nghiệp là một tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa, mức độ nhận thức, quan hệ xã hội, vùng miền địa lý, tư tưởng văn hóa, tính cách, suy nghĩ,… chính sự khác nhau này tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thật sự chú trọng tới yếu tố văn hóa doanh nghiệp. Vì vậy sự phát triển của doanh nghiệp chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó, nhân viên khó có thể cống hiến hết năng lực của bản thân mình. 

Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là tổng hòa của các quan niệm về giá trị, tiêu chuẩn đạo đức, triết lý kinh doanh, quy phạm hành vi, ý tưởng kinh doanh, phương thức quản lý và nội quy,… được mọi thành viên trong doanh nghiệp chấp thuận và tuân theo. Đây là bộ giá trị được xây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp sẽ chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp để cùng hướng tới các mục tiêu chung doanh nghiệp đề ra.

Câu hỏi được đặt ra là điều gì sẽ tạo nên một nền xây dựng văn hóa doanh nghiệp?

1. Tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp

Tầm nhìn chính là bức tranh trong tương lai mà doanh nghiệp muốn tạo ra. Một nền văn hóa nhiều màu sắc luôn đi đôi với một tầm nhìn chiến lược. Từ tầm nhìn chiến lược đó, doanh nghiệp có thể xác định những mục tiêu xa hơn và vạch ra những bước đi cụ thể. Khi đã xác định được hướng đi của mình, doanh nghiệp sẽ có những phương án rõ ràng để thực hiện mục tiêu cuối cùng.

Tầm nhìn là nguồn cảm hứng và động lực của mỗi doanh nghiệp. Một tầm nhìn không nhất thiết chỉ nói về phát triển của doanh nghiệp mà còn nói về sự duy trì. Bất kỳ tầm nhìn nào giữ nguyên cả thập kỷ thì sẽ không còn được gọi là tầm nhìn nữa. Tầm nhìn sẽ được sử dụng mỗi khi đưa ra quyết định đầu tư, vì vậy nếu nó không được thường xuyên cập nhật lại thì những thành phần của tầm nhìn sẽ không còn giữ nguyên những giá trị tốt đẹp. Tầm nhìn của doanh nghiệp là một quá trình, không phải một kết quả. Nhà quản trị cần chia sẻ tầm nhìn với mọi nhân viên, nhưng khi chia sẻ cũng phải báo trước là nó sẽ được cập nhật thường xuyên và nhân viên có thể đóng góp ý kiến của mình vào tầm nhìn doanh nghiệp. Điều này không chỉ làm cho tầm nhìn có ý nghĩa và mạnh mẽ hơn, mà còn giúp cho tổ chức trở thành nơi để nhân viên có thể thỏa sức cống hiến.

2. Yếu tố con người

Nhân tố quan trọng góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp đó là con người. Đây là lý do tại sao các công ty lớn trên thế giới đều có các chính sách tuyển dụng nghiêm ngặt nhằm tìm ra những nhân tố phù hợp cho doanh nghiệp. Theo Charles Ellis (tác giả cuốn sách What it Takes: Seven Secrets of Success from the World’s Greatest Professional Firms) chia sẻ: “Một công ty tốt là luôn có những kế hoạch tuyển dụng các nhân sự không chỉ giỏi mà còn phù hợp với công ty, vì chính họ sẽ góp phần tạo dựng nên một văn hóa doanh nghiệp”. Theo ông thì một công ty nên phỏng vấn từ 8 tới 20 người cho một vị trí cần tuyển dụng nhằm tránh bỏ sót nhân tài. Những màu sắc khác nhau của từng ứng viên sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội để tiếp cận nhiều nhân sự tiềm năng cho công việc sau này. Tiến sĩ Steven Hunt (thuộc công ty Monster) từng nói rằng: “Một nghiên cứu cho thấy những người ứng tuyển mà phù hợp với văn hóa công ty sẽ chấp nhận mức lương thấp hơn 7%. Một người mà sống trong văn hóa họ yêu thích thì họ sẽ gắng bó lâu dài hơn và góp phần củng cố nền văn hóa mà tổ chức sẳn có”.

3. Sức mạnh của câu chuyện

Một trong những cách để xây dựng văn hóa doanh nghiệp là việc nhà lãnh đạo kể những câu chuyện truyền cảm hứng tới nhân viên của mình. Những câu chuyện này có thể của chính bản thân họ trong quá trình xây dựng nên doanh nghiệp hiện tại. Bất kì tổ chức nào cũng có một lịch sử hình thành và phát triển,
điều các nhà quản trị cần làm là viết nên câu chuyện ấy như thế nào để tạo sức mạnh, truyền cảm hứng cho nhân sự. Bài học được rút ra thông qua những câu chuyện chính là nguồn sức mạnh vô hình giúp mỗi cá nhân không ngừng cố gắng và tiếp bước thành công.

Câu chuyện truyền cảm hứng của Coca Cola

Ví dụ về câu chuyện về Coca Cola và công thức pha chế bí mật. Nước uống Coca Cola được phát minh bởi một dược sĩ . Mục đích ban đầu của thứ nước này để tạo ra một loại thuốc có thể chữa đau đầu, mệt mỏi tương tự cà phê nhưng tiện dụng hơn. Chỉ với một thìa siro pha cùng một cốc nước lạnh, vừa có thể giải khát lại gây cảm giác sảng khoái, thư giãn. Cái tên Coca-Cola được Frank M.Robinson, kế toán trưởng của Pemberton đặt tên bắt đầu từ nguồn gốc đó nhưng đã thay chữ “K” bằng chữ “C” có vẻ dễ nhìn và quen thuộc hơn. Và sau hơn 1 thế kỉ tồn tại, khi đã trở thành tập đoàn đa quốc gia, mô hình sản xuất của Coca-Cola ngày nay về cơ bản vẫn tuân thủ nguyên tắc kinh doanh bảo mật công thức đó của ông chủ đầu tiên Asa Griggs Candler. Coca Cola đã truyền lại co thế hệ sau những bài học lịch sử đáng giá và trở thành kỷ niệm di sản của chính doanh nghiệp. Giúp nhân viên cảm thấy có động lực khi đang tạo ra giá trị tốt đẹp cho xã hội.

4. Xây dựng môi trường làm việc mở

Môi trường làm việc hiệu quả chính là một trong những yếu tố giúp xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp thành công. Trong xã hội phát triển như hiện nay, ngoài nhu cầu được thăng tiến và lương thưởng theo năng lực thì yếu tố giúp giữ chân nhân sự đó chính là môi trường làm việc. Một môi trường hiệu quả là môi trường mà nhân viên cảm thấy thoải mái, được nói lên những suy nghĩ của mình, vì vậy họ sẽ cống hiến hết mình vào những mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Bên trong căn phòng làm việc độc lạ của Google

Doanh nghiệp có thể xây dựng kiến trúc mở để mang lại nhiều thuận lợi hơn khi làm việc. Văn phòng có thể kết hợp với không gian cafe nho nhỏ, căn- tin để nhân viên có thể nghỉ ngơi giờ giải lao, giúp gắn bó tình đoàn kết hơn.

Nhân viên có thể được nói lên những suy nghĩ, những mong muốn của mình để nhà lãnh đạo hiểu và định hướng rõ hơn hướng đi của họ. Khi những nhu cầu của mình được đáp ứng, nhân viên sẽ cố gắng hết mình để thực hiện những mục tiêu cá nhân của mình, gắn mục tiêu cá nhân với sự phát triển chung của công ty.

5. Hệ thống trao đổi thông tin nhanh chóng

Đây là lớp cấu thành văn hóa doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý đa dạng, đa chiều, chính xác và kịp thời. Hệ thống này cần đảm bảo mọi thông tin cần thiết cho doanh nghiệp đều được thu thập, truyền đạt, lưu trữ và xử lý kịp thời. Đồng thời đảm bảo cho mọi nhân sự của doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và sử dụng các thông tin cần thiết cho các hoạt động thường nhật cũng như công tác lập kế hoạch, xây dựng định hướng chiến lược.

Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp đều nỗ lực xây dựng cho mình một hệ thống quan điểm giá trị để nhân viên chấp nhận, tạo ra sự hài hòa trong nội bộ doanh nghiệp, một không khí văn hóa tích cực để phát huy thế mạnh văn hóa của tập thể, tăng cường nội lực và sức mạnh của doanh nghiệp. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các nhà quản trị có thể áp dụng vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho công ty mình.

Tin Liên Quan
Bạn Có Thể Quan Tâm
Cùng chuyên mục