Ông Lã Giang Trung – Tổng giám đốc Passion Investment đánh giá năm 2021 vĩ mô sẽ tiếp tục duy trì tốt nhưng việc đầu tư sẽ khó khăn hơn năm nay và việc lựa chọn cổ phiếu sẽ không quá dễ như giai đoạn vừa qua. Ông Trung dự báo chỉ số VN-Index trong năm 2021 sẽ xoay quanh 1.100 điểm.
Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường MBS đánh giá dịch Covid-19 đã giúp một chu kỳ mới mở ra nhanh hơn. Trước đây, chu kỳ tăng trưởng TTCK thường kéo dài 10 năm, chu kỳ điều chỉnh kéo dài vài năm thì ở đại dịch Covid-19 lần này, nhịp điều chỉnh chỉ diễn ra trong vòng 1,2 tháng và đã mau chóng hồi phục mạnh mẽ.
Sự hành động nhanh chóng, kinh nghiệm của các NHTW khi bơm tiền lớn chưa từng có trong lịch sử đã hỗ trợ cho các nền kinh tế, qua đó giúp TTCK vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong năm 2021, việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 diễn ra trên diện rộng sẽ giúp các nền kinh tế hồi phục mạnh hơn.
Dù vậy, ông Sơn cho rằng giá cổ phiếu hiện đang hồi phục mạnh hơn nền tảng cơ bản của doanh nghiệp, tiêu biểu như TTCK Mỹ khi định giá P/E đang ở mức đắt đỏ trong lịch sử. Dù vậy, TTCK Mỹ được dự báo vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trong năm 2021 nhờ vào (1) Xu hướng bơm tiền vẫn chưa dừng lại; (2) Sự phát triển của công nghệ đã xóa nhòa khoảng cách giữa NĐT cá nhân và tổ chức, tạo ra dòng tiền “F0” mới ồ ạt vào thị trường và chấp nhận mức P/E cao hơn; (3) Lợi suất trái phiếu nhiều thị trường âm và kênh cổ phiếu vẫn cho thấy sự hấp dẫn.
Ông Sơn đánh giá việc TTCK Mỹ đang giao dịch với P/E cao cũng hàm ý khả năng các nhịp rung lắc, điều chỉnh sẽ diễn ra trong năm 2021.
Chỉ số USD Index sau khi tăng mạnh nửa đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ở mức trên 102 đã giảm sâu trở lại về vùng 93 điểm. Ông Sơn cho rằng đây là một tín hiệu tương đối tích cực và xu hướng dòng vốn có thể sẽ quay trở lại thị trường mới nổi (Emerging Market) sau khi khu vực này bị rút vốn mạnh trong hơn 10 tháng qua.
Với tín hiệu sụt giảm sâu của USD Index và đà phục hồi kinh tế của nhiều nước trong khu vực thị trường mới nổi, đồng thời là khả năng chống dịch tốt của một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, dòng vốn quốc tế đã bắt đầu quay trở lại mua ròng kể từ dầu tháng 11 trở lại đây.
Chung quan điểm tích cực, ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô MBS đánh giá năm 2021 – 2022 là pha hồi phục của kinh tế thế giới. Các gói hỗ trợ kinh tế sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhiều nền kinh tế, qua đó tác động tích cực tới TTCK.
Ông Tuấn cũng đánh giá dòng vốn sẽ trở lại các thị trường mới nổi trong năm 2021 và trong đó Việt Nam với những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế cũng như kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ là tâm điểm thu hút dòng vốn ngoại.
Dòng tiền cá nhân cùng câu chuyện nâng hạng thúc đẩy đà tăng của thị trường
Về diễn biến TTCK trong nước, ông Sơn đánh giá Việt Nam đang bước vào một uptrend mới. Thời gian gần đây, quy mô thị trường đang gia tăng mạnh mẽ với sự bùng nổ của số lượng tài khoản chứng khoán mở mới.
Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân ồ ạt đổ vào thị trường giúp thanh khoản lên mức kỷ lục trong chu kỳ 10 năm. Thanh khoản giao dịch bình quân cả 3 sàn theo tháng đang ở mức cao kỷ lục, từ mức 7.800 tỷ trong tháng 9 đã lên mức 11.700 tỷ trong tháng 12 và đang ở mức cao nhất theo tháng trong chu kỳ 10 năm trở lại đây. Vùng thanh khoản tại tháng 12 hiện tại đã cao hơn 46% so với đỉnh thanh khoản 2017 và 25% so với đỉnh thanh khoản của tháng 1/2018.
Ông Sơn đánh giá sự bùng nổ về thanh khoản tại TTCK Việt Nam giai đoạn này có đôi nét tương đồng với làn sóng mở tài khoản mới của NĐT cá nhân tại Trung Quốc giai đoạn 2014-2015. Khi đó, lượng tài khoản mở mới tăng đột biến và sự tham gia bùng nổ của NĐT cá nhân trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn đã giúp chỉ số Shanghai Composit tăng gấp đôi.
Tuy nhiên điểm khác biệt là giai đoạn sau đại dịch, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, mặt bằng lãi suất thấp đã hút dòng tiền vào kênh chứng khoán.
Về định giá, thị trường Việt nam là một trong số các thị trường có mức hồi phục nhanh dưới tác động của đại dịch covid-19, bên cạnh đó hệ số P/E (forward) hiện đang ở mức 16,5 lần thấp hơn so với các nước Asean 6, thấp hơn so với binh quân các thị trường Emerging. Tuy nhiên về mức ROE của Việt Nam đang ớ mức cao hơn hẳn so với mặt mặt bằng chung khu vực Emerging market.
Về câu chuyện nâng hạng thị trường, ông Sơn dự báo FTSE sẽ công bố Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp trong tháng 9/2021 và có thể chính thức được vào rổ chỉ số thị trường mới nổi thứ cấp FTSE vào tháng 3/2022. Trong khi đó, MSCI có thể đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 6/2022.
Lịch sử cho thấy các thị trường như Pakistan, Qatar, UAE, Saudi Arabia đều tăng mạnh trước khi chính thức nâng hạng thị trường mới nổi khoảng 2 năm và bắt đầu suy yếu sau khi chính thức được nâng hạng. Do đó, ông Sơn kỳ vọng giai đoạn năm 2021 – 2022 sẽ là thời điểm tích cực cho chứng khoán Việt Nam.
Việc lựa chọn cổ phiếu năm 2021 sẽ không quá dễ dàng như 2020
Nhận định về thị trường năm 2021, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường cho rằng nếu không có yếu tố bất thường thì sẽ là năm kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục. Tuy nhiên, nhiều yếu tố hồi phục của nền kinh tế đã được phản ánh vào giá chứng khoán nên việc lựa chọn cổ phiếu sẽ là yếu tố quan trọng trong năm 2021. Ông Tường cũng đưa ra dự báo chỉ số VN-Index năm 2021 sẽ chỉ tăng khoảng 10% so với năm nay.
Chung quan điểm, ông Lã Giang Trung – Tổng giám đốc Passion Investment đánh giá năm 2021 vĩ mô sẽ tiếp tục duy trì tốt nhưng việc đầu tư sẽ khó khăn hơn năm nay và việc lựa chọn cổ phiếu sẽ không quá dễ như giai đoạn vừa qua. Ông Trung dự báo chỉ số VN-Index trong năm 2021 sẽ xoay quanh 1.100 điểm.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng chỉ số VN-Index sẽ duy trì mặt bằng cao hơn năm nay, từ 1.030 đến 1.165 điểm. Những câu chuyện nâng hạng thị trường, giao dịch T0 có thể sẽ giúp thị trường “nổi sóng” trong năm tới.
http://ttvn.toquoc.vn/chuyen-gia-du-bao-vn-index-se-tiep-da-tang-truong-trong-nam-2021-nhung-lua-chon-co-phieu-se-khong-con-de-dang-420201712223319988.htm
Theo Minh Anh